Joel Rifkin, tên tội phạm khét tiếng ở New York, kẻ giết 17 cô gái gọi trong vòng 4 năm, thú nhận rằng: Hắn không hiểu tại sao mình lại giết người. Trong một cuộc phỏng vấn ở nhà tù, y than thở: "Tôi không biết tôi có phải một con quái vật không, hay bộ não của tôi bị hỏng mà tôi lại hành động như vậy nữa".
Câu hỏi của Rifkin cũng chính là câu hỏi mà hàng nghìn nhà nghiên cứu tội phạm trên thế giới đang phải đối diện. Quả thực, có những kẻ giết người, hoàn toàn không vì trả thù hay vì tiền bạc, mà chính bản thân hắn cũng không hiểu vì sao hắn làm như vậy.
Nhóm nghiên cứu của Adrian Raine, Đại học Nam California và Monte Buchsbaum, Đại học Y khoa Mount Sinai ở New York (Mỹ), đã dùng kỹ thuật cộng hưởng từ để chụp não của những kẻ giết người hàng loạt.
So sánh với não bộ của người thường, các nhà khoa học phát hiện: Não của những tên tội phạm này có nhiều điều khác lạ ở thùy thái dương.
Buchsbaum nói: "Thùy thái dương là một trong những khu vực hoạt động mạnh nhất của não, tuy nhiên ở những kẻ giết người hàng loạt, khu vực này hầu như không hoạt động, hoặc hoạt động rất kém".
Theo các nhà khoa học, thùy thái dương có trách nhiệm kiểm soát cảm xúc và hành vi của con người. Nó giúp người ta kiềm chế trong hành động.
Nếu khu vực này bị hỏng, con người sẽ xử sự buông thả theo cảm xúc. Đây có thể là lời giải thích cho hành động "không hiểu tại sao" của những kẻ giết người hàng loạt.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng: Phát hiện lần này không thể giải thích hoàn toàn động cơ giết người của những tên tội phạm. Còn nhiều yếu tố tâm lý khác: Như sự xa lánh của xã hội, hay sự ghê tởm đồng loại do bị lạm dụng tình dục lúc ấu thơ, cũng có thể biến bất cứ ai đó thành tội phạm.
Tuy nhiên, những hư hại ở thùy thái dương không phải bao giờ cũng dẫn tới hành động giết người. Ngược lại, trong hầu hết trường hợp, đó chỉ là một dạng bệnh não bình thường.
Nguồn sưu tầm: Cuốn "Bí ẩn của nhân loại", trang 82-83 , NXB Từ điển Bách khoa.
Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.