Trong bão lạm phát, mạnh ai nấy lo?

THẾ TUẤN |

Tới thời điểm giữa tháng 9, các định chế tài quốc tế đều cho rằng lạm phát vẫn sẽ còn kéo dài, nhiều quốc gia có thể sẽ rơi vào suy thoái. Trong đó, hai khu vực kinh tế đầu tàu là Mỹ và Âu vẫn không sáng sủa. Ngày 21/9, trong một cuộc họp được cho là gay cấn, lãnh đạo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cho rằng việc tiếp tục tăng lãi suất đồng USD là không tránh khỏi, cho tới năm 2023. Điều này càng dấy lên nỗi lo ngại bóng ma lạm phát mang tính toàn cầu.

Các cửa hàng thời trang ở Nantes (Pháp) giảm giá sâu để kích thích tiêu dùng.

Các cửa hàng thời trang ở Nantes (Pháp) giảm giá sâu để kích thích tiêu dùng.

Lạm phát đang rất “cứng đầu”

Nước Anh vẫn đang đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong số các nền kinh tế lớn và Ngân hàng Trung ương Anh nhiều khả tiếp tục tăng lãi suất.

Một nghịch lý được tờ Financial Times đưa ra cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974 trong bối cảnh nền kinh tế đình trệ. Tỷ lệ thất nghiệp giảm không phải do số người có việc làm tăng mà do có thêm nhiều người cho biết họ không đi làm và không tìm kiếm việc làm do đi học hoặc điều kiện sức khỏe không bảo đảm.

Bà Yael Selfin - Kinh tế trưởng tại Công ty Tài chính KPMG (Anh), cho rằng bất chấp sự tăng trưởng về việc làm, tổng số giờ làm việc hằng tuần đã giảm so với quý trước đó, dẫn đến số giờ làm trung bình giảm. Điều này cho thấy các công ty giảm giờ làm của nhân viên thay vì sa thải họ, dẫn tới tỉ lệ thất nghiệp tương đối thấp.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, những gì đang diễn ra ở nước Anh rồi cũng sẽ “lan” sang các quốc gia châu Âu khác, nhất là khi mùa đông đang đến, nguồn cung năng lượng lại thiếu hụt.

Tuần qua, một đợt bán tháo quy mô lớn đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ hỗn loạn. Trong khi đó, Báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Cục Thống kê lao động Mỹ cho thấy lạm phát của Mỹ cao hơn dự báo. Lạm phát vẫn tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái dù giá xăng đã giảm mạnh. Lạm phát lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng, cũng tăng 0,6% so với tháng 7 và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trước đó, các nhà kinh tế đã kỳ vọng lạm phát của Mỹ trong tháng 8 sẽ giảm 0,1% và lạm phát lõi tăng 0,3%. Báo cáo lạm phát trong tháng 8 tăng cao hơn dự kiến có thể sẽ khiến FED mạnh tay hơn và không loại trừ khả năng FED sẽ tăng lãi suất ở mức 1% để kiềm chế lạm phát.

Ông Matt Peron - Giám đốc nghiên cứu của Janus Henderson Investors, nhận định: “Báo cáo CPI rõ ràng là thông tin tiêu cực với thị trường chứng khoán. Báo cáo nóng hơn dự báo đồng nghĩa chúng ta sẽ tiếp tục chịu áp lực từ chính sách của FED thông qua việc tăng lãi suất và lạm phát vẫn kéo dài”.

Chưa hết, bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra nhận định: “Lạm phát đang rất cứng đầu và lan rộng hơn. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương cũng cần phải cứng rắn trong cuộc chiến chống lạm phát”. Tương tự, ông Francois Villeroy de Galhau - đại diện Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhấn mạnh, với rất nhiều yếu tố cho thấy lạm phát vẫn chưa quay đầu giảm trong trước mắt đối với châu Âu, cũng như Mỹ, vì hai thị trường này có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Chưa nên vội mừng

Đề cập đến biện pháp kéo giảm lạm phát, Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh, nếu chính sách tài khóa của các quốc gia không được căn chỉnh phù hợp thì có thể trở thành “kẻ thù của chính sách tiền tệ vì tiếp lửa cho lạm phát”. Giá dầu tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao đã đẩy giá tất cả hàng tiêu dùng lên, dẫn đến việc lạm phát kéo dài dai dẳng.

Tham gia vào “cuộc chiến tranh cãi lạm phát”, Christopher Waller - một quan chức cao cấp của FED nói rằng các nhà hoạch định chính sách nên “dừng việc cố gắng đoán về tương lai, và thay vào đó cần hướng sự chú ý vào các dữ liệu kinh tế”. Ông Waller cũng cho biết, sẽ ủng hộ việc tăng lãi suất.

“Nếu lạm phát vẫn không dịu đi trong thời gian còn lại của năm nay thì rất có thể FED còn phải tăng lãi suất lên cao hơn nhiều mức 4%. Chúng ta không nên vội mừng khi xuất hiện một số tín hiệu chỉ số lạm phát giảm. Lịch sử từng đưa ra những cảnh báo thận trọng về việc nới lỏng chính sách quá sớm. Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng hậu quả của việc bị đánh lừa bởi sự dịu đi tạm thời của lạm phát sẽ gây ra những tác động rất tai hại” - ông Waller nói.

Tới nay, trong cuộc chiến chống lạm phát, việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất tiền gửi vẫn được coi là cách khả dĩ nhất. Cùng với FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã nâng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm, bước nhảy lớn chưa từng có trong lịch sử ECB, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục tăng lãi suất với mục tiêu ưu tiên chống lạm phát khi nền kinh tế khu vực Eurozone đứng bên bờ vực suy thoái và đối mặt nguy cơ phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông sắp đến.

“Chúng ta đang tiến dần tới ngưỡng lạm phát 2 con số, số tiết kiệm của các hộ gia đình đang rỗng dần” - Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde nói và cho rằng để kiểm soát bền vững được lạm phát, ECB phải tăng lãi suất lên cao hơn nữa.

Lạm phát gia tăng, tăng trưởng chậm lại đã đẩy tỷ lệ nợ trên toàn cầu tăng. Báo cáo của Viện Tài chính quốc tế (IIF) với tiêu đề “Giám sát nợ toàn cầu: Rủi ro gia tăng ở các thị trường mới nổi”, công bố mới đây cho biết tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu nhích lên dù tổng nợ của toàn cầu, tính theo đồng USD, giảm 5,5 ngàn tỷ USD, xuống còn 300 ngàn tỷ USD trong quý 2 năm nay, mức giảm hàng quý đầu tiên kể từ năm 2018. Tuy nhiên, báo cáo của IIF cho rằng: “Mặc dù nợ toàn cầu giảm phần lớn là do hiệu ứng định giá lại theo mức tăng giá của đồng USD, nhưng cần lưu ý rằng chi phí đi vay đang tăng nhanh và sự quan tâm của nhà đầu tư giảm xuống. Những lo ngại về tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm và căng thẳng xã hội gia tăng do giá năng lượng và lương thực cao hơn có thể sẽ khiến các chính phủ phải vay nhiều hơn”.

Tại thời điểm này, nhiều nhà quan sát đưa ra nhận định, việc thiếu sự liên kết, “mạnh ai nấy lo” trong cách đối phó lạm phát của nhiều nước khiến không ít quốc gia gặp khó khi nỗ lực phục hồi kinh tế. Giới chuyên gia cho rằng nếu chiến sự Nga - Ukraine còn kéo dài và châu Âu vẫn bế tắc trong nỗ lực tìm kiếm năng lượng thì “tương lai vẫn mờ mịt”.

Trên thực tế, nội bộ Liên minh châu Âu (EU) đã rạn nứt ít nhiều do tranh cãi liên quan đến các vòng cấm vận Nga nên việc tìm kiếm tiếng nói chung trong khối này không phải chuyện đơn giản. Cây viết Larry Elliott của Guardian nhận định trong bối cảnh xung đột giữa Ukraine và Nga còn kéo dài thì các nước EU “đành phải tìm cách tự kéo mình ra khỏi vũng lầy suy thoái kinh tế. Mẫu số chung cho nhiều quốc gia hiện tại là tung ra các gói kích thích kinh tế, trợ giá nhiên liệu, hỗ trợ cho người nghèo và tăng lãi suất. Nhưng điều đó cũng không thể kéo dài mãi”.

Tương tự, Pierre Jaillet - chuyên viên nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) và Viện Jacques Delors nhấn mạnh: “Vào thời điểm mà các chính sách cần phải xích lại gần nhau hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, các chính phủ (EU) lại hành động theo kiểu mạnh ai nấy làm, “mỗi người một phách” không nhất quán nên thường mang lại kết quả thiếu trọn vẹn”.

Còn Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cảnh báo, việc EU không thống nhất trong chính sách năng lượng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu khí đốt khi mùa đông đã gần đến, và cũng sẽ không tạo thành một khối để ứng phó với khủng hoảng năng lượng.

Kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt của Nga đã vấp phải phản ứng của nhiều nước EU. Người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp Giannis Oikonomou cho biết, nước này sẽ không ủng hộ đề xuất của Ủy ban Châu Âu (EC) về giới hạn giá khí đốt với Nga, đồng thời lưu ý phản ứng của EU là “không thể tưởng tượng được” và “các biện pháp của EU nên mang lại nhiều lợi ích hơn cho các công dân EU thay vì tạo ra các vấn đề khác”.

Chính phủ Đức cho rằng việc áp trần giá khí đốt Nga có thể sẽ kích hoạt sự trả đũa của Matxcơva dưới hình thức cắt hoàn toàn khí đốt đối với EU. Trong khi đó, Hungary cảnh báo, giới hạn giá khí đốt Nga sẽ khiến Matxcơva ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu ngay lập tức - điều vốn đi ngược với lợi ích của Budapest.

Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne van der Straeten cũng lưu ý, có rất ít khí đốt của Nga đến châu Âu ở thời điểm hiện tại nên đề xuất áp giá trần khí đốt không ảnh hưởng gì đến Nga, mà chỉ làm cho “mùa đông châu Âu lạnh thêm”.

Trong khi đó Tổng thống Nga Putin nói tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga: “Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì nếu nó mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại