Thiên Cung 1 là trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc, được phóng vào quỹ đạo Trái đất tháng 9/2011.
Đây từng là nơi trú của các phi hành gia lên thực hiện các sứ mệnh ngắn hạn. Dự kiến Thiên Cung 1 dừng hoạt động vào năm 2013, tuy nhiên Trung Quốc đã nhiều lần kéo dài thêm thời gian hoạt động của trạm.
Từ tháng 9/2016, một số tin đồn xuất hiện cho rằng Thiên Cung 1 đã xuất hiện các vấn đề hỏng hóc kĩ thuật.
Trạm vũ trụ Thiên Cung 1. Ảnh minh họa
Và đến ngày 04/05/2017, Trung Quốc chính thức báo cáo với Liên Hiệp Quốc về việc Thiên Cung 1 đã ngừng hoạt động từ ngày 16/03/2016 do bị mất liên lạc và không thể kiểm soát được.
Chắc hẳn đọc đến đây nhiều bạn sẽ nghĩ rằng sau khi mất kiểm soát, số phận Thiên Cung 1 đi về đâu, chắc hẳn nó đã trôi lơ lửng hoặc bay đi đâu đó trong quãng thời gian này.
Tuy nhiên, đáp án thực sự là nó chẳng bay đi đâu cả mà vẫn xoay quanh trái đất của chúng ta. Tuy nhiên, độ cao thì ngày càng giảm dần và đang tiến sâu vào trái đất.
Về lý thuyết, khi phóng một vệ tinh lên quỹ đạo của trái đất, nó sẽ không bay đi mất mà quay quanh trái đất nhờ ảnh hưởng của sức hút từ Trái đất và các thiên thể khác.
Tuy nhiên, qua thời gian, quỹ đạo của vệ tinh sẽ thay đổi dần dần và con người buộc phải can thiệp điều chỉnh lại quỹ đạo để vệ tinh không đi lệch hướng.
Tương tự như vậy, sau khi bị mất kiểm soát, Trung Quốc không thể điều chỉnh lại quỹ đạo của Thiên Cung 1 nhưng nó cũng không đột nhiên bay đi mất mà vẫn tiếp tục quỹ đạo quay quanh trái đất của mình.
Qua thời gian, quỹ đạo của Thiên Cung 1 mất đi sự ổn định và chính xác, độ cao ngày càng giảm do chịu lực hút của trái đất và đang trong tình trạng rơi xuống trái đất như hiện nay.
Tuy nhiên, việc Thiên Cung rơi xuống trái đất cũng không phải là mối lo lắng lớn do hầu hết trạm vũ trụ này sẽ bị bốc cháy khi vào bầu khí quyển và khả năng con người bị mảnh vỡ của nó rơi vào gần như là 0.