Ngày 08/03/2014, chuyến bay mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines đã bất ngờ biến mất khi đang trên hành trình đi từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Vào thời điểm đó mọi người đều không ngờ rằng, 10 năm sau, chiếc máy bay này cùng toàn bộ hành khách của nó vẫn chưa thể "về nhà".
Biến mất không dấu vết sau 39 phút cất cánh
Các tài liệu cho biết, khi cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur lúc 0h41, chiếc MH370 không hề có một dấu hiệu bất thường nào. Trước khi rời khỏi không phận Malaysia, phi công điều khiển MH370 đã gửi một lời nhắn cuối cùng, anh nói: "Chúc ngủ ngon Malaysia 370".
Vài phút sau, bộ phát đáp của máy bay, một hệ thống liên lạc truyền vị trí của máy bay tới trạm kiểm soát không lưu, ngừng hoạt động. Sau đo, radar quân sự đã phát hiện chiếc máy bay đã quay đầu để di chuyển qua Biển Andaman trước khi biến mất và dữ liệu vệ tinh cho thấy nó tiếp tục bay trong nhiều giờ, và có thể là bay cho đến khi hết nhiên liệu rồi biến mất.
227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn
Vào thời điểm xảy ra sự cố, chiếc MH370 này được cho là chở khoảng 239 người, trong đó có 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Hầu hết những người trên máy bay đều đến từ Malaysia và Trung Quốc, còn lại số ít hành khách khác đến từ các quốc gia như Mỹ, Canada, Indonesia, Pháp và Nga.
Trong số hành khách này, có hai thanh niên Iran sử dụng hộ chiếu bị ăn cắp để tìm kiếm cuộc sống mới ở châu Âu, một nhóm nghệ sĩ thư pháp Trung Quốc trở về sau cuộc triển lãm tác phẩm của họ, 20 nhân viên của công ty công nghệ Freescale Semiconductor của Hoa Kỳ, diễn viên đóng thế cho nam diễn viên Lý Liên Kiệt, các gia đình có con nhỏ, cặp vợ chồng đang hưởng tuần trăng mật,... Tất cả đều không thể trở về sau 10 năm.
Nỗ lực tìm kiếm
Sau khi vụ việc được báo cáo, một cuộc tìm kiếm quy mô lớn đã ngay lập tức được Malaysia và hàng loạt các quốc gia khác hỗ trợ triển khai. Hàng chục con tàu và máy bay từ nhiều nước khác nhau bắt đầu tìm kiếm ở khu vực Biển Đông, trước khi di chuyển đến Biển Andaman và Ấn Độ Dương.
Úc, cùng với Malaysia và Trung Quốc, sau đó dẫn đầu cuộc tìm kiếm dưới nước lớn và tốn kém nhất từng được thực hiện. Các quốc gia này đã hợp sức bao phủ khoảng 120.000 km2 khu vực ngoài khơi phía Tây Australia, sử dụng máy bay, tàu được trang bị để thu tín hiệu sóng siêu âm và tàu ngầm robot.
Các tàu tìm kiếm đã phát hiện ra các tín hiệu siêu âm có thể đến từ hộp đen của máy bay và các vụ đắm tàu được cho là tàu buôn từ thế kỷ 19, nhưng chưa bao giờ tìm thấy máy bay. Phải đến tận tháng 07/2015, một mảnh vỡ được cho là cửa phụ của MH370 mới được tìm thấy khi nó dạt vào Đảo Reunion của Pháp. Sau đó, một vài mảnh vỡ khác của chiếc máy bay này cũng đã được phát hiện ở bờ biển phía đông châu Phi.
Mặc dù vậy, những mảnh vỡ này là những thứ duy nhất thuộc về chiếc máy bay xấu số mà chúng ta có. Vào năm 2017, sau 3 năm nỗ lực, cuộc tìm kiếm diện rộng này đã chính thức khép lại.
Vào tháng 01 năm 2018, Công ty robot hàng hải Ocean Infinity của Hoa Kỳ đã bắt đầu cuộc tìm kiếm theo thỏa thuận "không tìm thấy, không mất phí" với Malaysia. Cuộc tìm kiếm này tập trung ở khu vực phía bắc. Tuy nhiên, Ocean Infinity cũng đã kết thúc cuộc tìm kiếm này chỉ vài tháng sau đó.
Vì sao MH370 vẫn chưa được tìm thấy?
Sau khi thông tin về chiếc máy bay biến mất nổ ra, hàng loạt các giả thuyết về những gì có thể đã xảy ra trên máy bay bao gồm từ việc bị không tặc chiếm, cabin cạn oxi khiến toàn bộ người trên máy bay bất tỉnh hay thậm chí là lọt vào hố đen vũ trụ... đều được đưa ra. Tuy nhiên, không có bất cứ bằng chứng nào có thể chứng minh những giả thuyết này có căn cứ.
Lý giải về việc vì sao một chiếc máy bay khổng lồ với hàng trăm con người bên trong lại có thể biến mất "không dấu vết", các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do không ai biết chính xác nơi mà chiếc máy bay này rơi xuống. Ấn Độ Dương là Ấn Độ Dương lớn thứ ba thế giới và việc tìm kiếm được tiến hành ở một khu vực có thời tiết không mấy thuận lợi khi liên tục có bão và biển động.
Việc máy bay biến mất dưới biển sâu không phải là điều bình thường, nhưng khi chúng biến mất thì rất khó để xác định vị trí. Theo Mạng lưới An toàn Hàng không, trong 50 năm qua, hàng chục máy bay đã biến mất và xác suất tìm được chúng dưới đáy đại dương là vô cùng nhỏ.
Điều gì sẽ xảy ra trong tương lai?
Một tòa nhà được chiếu sáng bằng đèn có dòng chữ "Cầu nguyện cho MH370" ở Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 24/03/2014
Tại buổi tưởng niệm các nạn nhân mất tích trên chiếc MH370 được tổ chức vào ngày 03 tháng 03 vừa qua, Chính phủ Malaysia khẳng định sẽ chỉ tiếp tục cuộc truy lùng nếu có bằng chứng mới đáng tin cậy về MH370.
Hiện họ đang xem xét đề xuất của Ocean Infinity về một cuộc tìm kiếm mới với công nghệ mới, mặc dù vẫn chưa rõ liệu công ty có bằng chứng mới về vị trí của máy bay hay không. Tuy nhiên, nhiều gia đình nạn nhân vẫn kiên định trong việc tìm kiếm câu trả lời. Họ cho rằng bí ẩn phải được giải quyết, không chỉ để khép lại bí ẩn này mà còn để ngăn chặn những thảm họa tương tự có khả năng xảy ra trong tương lai.
Nguồn: AP