"Trời xoay đất chuyển": Những dấu hiệu chứng tỏ nỗi lo sợ lớn nhất của TQ đang trở thành hiện thực

Tất Đạt |

Tình hình lương thực tại Trung Quốc đang có nhiều tín hiệu xấu do thời tiết khó lường và thiên tai xảy ra liên tục giữa thời kì COVID-19 hoành hành.

Khó khăn chồng chất

Đứng giữa cánh đồng lạc bị ngập nước, người nông dân tên Wang Wei nhổ một chùm lá xanh từ dưới bùn và nhăn mặt khi nhìn vào những vỏ hạt bị teo, không phát triển ở dưới gốc cây.

Người dân ở làng Baoshang, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc phàn nàn rằng các hạt lạc như vậy quá bé để có thể đảm bảo một vụ mùa bội thu. Trải qua một mùa hè với sản lượng lúa mì đặc biệt thấp và ngay sau đó là hạn hán vào tháng 5 và đầu tháng 6, những người nông dân như anh Wang hiện đang lo ngại mưa lớn và lũ lụt sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng nông sản sắp tới.

"Tôi chưa từng thấy năm nào hạn hán tệ như thế này. Sản lượng lúa mì chỉ bằng một nửa năm ngoái," anh Wang nói, cho biết thêm rằng sản lượng lạc giảm 1/3 và ngô giảm khoảng 10%.

"Đầu vụ mưa quá ít, cuối vụ mưa quá nhiều".

Trời xoay đất chuyển: Những dấu hiệu chứng tỏ nỗi lo sợ lớn nhất của TQ đang trở thành hiện thực - Ảnh 1.

Nông dân Trung Quốc gặp khó khăn vì thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Orange Wang

Câu chuyện không may mắn của Wang chỉ là một trong số hàng loạt những câu chuyện khác xoay quanh sản lượng nông sản năm nay của Trung Quốc.

"An ninh lương thực" đã trở thành một cụm từ được quan tâm trên mạng xã hội Trung Quốc, mặc dù cho số liệu chính thức của chính phủ không phản ánh nguy cơ thiếu lương thực trong tương lai gần.

Theo Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc, mùa hè vừa qua Trung Quốc đã thu hoạch được sản lượng "cao chưa từng thấy", tăng 0,9% so với năm ngoái, bao gồm tăng 0,6% với thu hoạch lúa mì. Đây là năm thứ 16 liên tiếp - tính từ năm 2004 tới năm 2019 - "thu hoạch bội thu", với sản lượng năm ngoái cao hơn năm 2004 tới 54%.

Hồi tháng 4, Bắc Kinh khẳng định nước này vẫn có đủ lúa mì và gạo để "toàn bộ dân số Trung Quốc dùng trong 1 năm".

Tuy nhiên cùng lúc, Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực yêu cầu cả nước sử dụng tiết kiệm các loại lương thực chiến lược, bao gồm gạo, lúa mì và ngô.

Tiết kiệm lương thực

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh về việc đảm bảo an ninh lương thực trong tháng 7 và tuần trước, ông Tập lại có chỉ dẫn bất thường yêu cầu người dân không lãng phí thực phẩm.

Thông điệp về việc "ăn sạch đồ ăn" đã ngay lập tức trở thành phong trào toàn quốc. Các nhà hàng cam kết sẽ phục vụ đồ ăn với cỡ nhỏ hơn, các trang web cấm chương trình giải trí về đồ ăn trong khi các nhà lập pháp đề cập tới ý tưởng tạo ra khung pháp lí cho tội "lãng phí đồ ăn".

Đối với một số người, những động thái này làm gợi nhắc lại tới nạn đói năm 1959, khi người dân phải ăn ít hơn để tiết kiệm lương thực.

Tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) - nơi chiếm tới 10% tổng sản lượng lương thực của cả nước, nông dân đang do dự khi bán lúa mì vì lo ngại vấn đề nguồn cung. Nhiều nông dân đang tích trữ nông sản với hi vọng rằng giá cả sẽ tiếp tục tăng vì nguồn cung giảm, một phần bởi vì đại dịch do virus corona.

"Năm ngoái nông dân vội vã bán mọi nông sản họ thu hoạch được," một người đàn ông tên Zhu nói. "Năm nay họ thường chọn tích trữ hàng hóa trong kho hơn".

Theo Zhu, sản lượng lúa mì trong khu vực đã giảm khoảng 30-40% so với năm ngoái. Trong khi đó, dữ liệu chính thức từ tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vẫn khẳng định rằng thu hoạch trong mùa hè năm nay là "cao nhất lịch sử".

Zhu cho biết thương nhân từ tận Bắc Kinh và Thiểm Tây đều tới đây để mua lương thực. Điều này cho thấy cả Trung Quốc đều đang gặp khó khăn với nguồn cung nông sản.

Theo SCMP, việc nhập khẩu lương thực tăng đột biến, bao gồm lúa mì và ngô, cũng là bằng chứng cho thấy nguồn cung nội địa đang có vấn đề. Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán về sự thiếu hụt nguồn cung ở Trung Quốc.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 74,51 triệu tấn lương thực trong giai đoạn tháng 1-tháng 7, tăng 22,7% so với năm ngoái.

Thiên tai như lũ lụt và hạn hán thường xuyên xảy ra tại Trung Quốc. Mặc dù đã có nhiều quan ngại về an ninh lương thực, nhưng Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn phải đối phó với nạn đói và thiếu lương thực.

Mức hộ nghèo - được định nghĩa với thu nhập dưới 2.300 nhân dân tệ (khoảng 7,5 triệu VNĐ) một năm được cho là sẽ "biến mất" khỏi Trung Quốc vào cuối năm nay và vấn đề lớn nhất đối với lương thực của người Trung Quốc ngày nay là tiêu thụ quá nhiều thực phẩm. Tỉ lệ béo phì ở Trung Quốc đã tăng 3 lần trong giai đoạn từ năm 2004 tới năm 2014 - theo nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc công bố năm ngoái.

Dù vậy, ngành nông nghiệp Trung Quốc vẫn phải đối mặt với hàng loạt thử thách dài hạn do kết quả của công nghiệp hóa và hiện đại hóa, làm ảnh hưởng tới nguồn cung đất nông nghiệp.

Ví dụ, tại Yancang, thuộc quận Xinan, người dân buộc phải rời khỏi nơi cư trú hiện tại để tới sống tại những khu tái định cư. Khu đất ở cũ được sử dụng cho dự án thủy điện quy mô lớn trên sông Hoàng Hà trong khi 2/3 khu đất ở mới đã bị sử dụng cho nhà máy sản xuất bột nhôm, làm giảm thiểu lượng đất đai trồng trọt.

Người nông dân phải đối mặt với một mâu thuẫn lớn. Mặc dù nhà máy đã chiếm mất đất đai trồng trọt, nhưng nó lại cung cấp việc làm với mức lương từ 2.000 tới 3.000 nhân dân tệ 1 tháng (khoảng 432 USD), cao hơn nhiều so với việc làm nông.

Tại làng Baoshang, nơi Wang Wei trồng trọt trên 6 héc-ta đất, hầu hết những người khác đều đã tới các thị trấn và thành phố lớn để kiếm việc. Với thu nhập quá thấp từ nông nghiệp, đây không phải là nguồn thu nhập thực tế đối với nhiều người dân nông thôn.

Thậm chí đối với những người có nhiều đất canh tác và có máy móc trợ giúp, trồng trọt vẫn là điều khó khăn vì có nhiều tình huống không thể lường trước. Một người nông dân Trung Quốc vừa chỉ vào ruộng ngô nhỏ cạnh bờ sông và nói: "Khi nước lũ tới, mọi công sức đều đổ sông đổ bể".

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại