"Nhiều khi mình thấy sao mình đã có cơ chế lương tốt, thưởng tốt mà sao họ vẫn bỏ mình đi", anh Bùi Quang Minh (Minh Beta) - chủ chuỗi rạp chiếu phim Beta Cineplex trải lòng.
Tại sự kiện WeTALK số 3 của CafeBiz với chủ đề " Kinh doanh chuỗi – Không phải cứ mở là thắng", câu chuyện nhân sự một lần nữa được đưa ra "mổ xẻ".
Đại diện FPT Retail, anh Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Phát triển Kinh doanh kiêm Thương mại Điện tử - cho rằng: Đối với nhiều người, thu nhập chưa hẳn là cái giữ chân họ, mà là môi trường làm việc, văn hóa mà mỗi doanh nghiệp tạo dựng lên.
Đồng tình với ý kiến này, anh Minh Beta thừa nhận câu chuyện làm thế nào để nhân viên gắn bó với doanh nghiệp, ngoài chuyện lương – thưởng, là câu hỏi mà bất cứ người lãnh đạo nào cũng luôn tự vấn.
"Các bạn trẻ có câu hot trend là "Khi bình yên, người ta thường quên những lời thề trong giông bão". Khi doanh nghiệp khó khăn, vất vả, đang có đối thủ, đang cần cả công ty cùng sát cánh lại chiến đấu thì mọi người rất đoàn kết và một lòng".
"Nhưng rồi nhiều khi đến lúc bắt đầu thoải mái, có thu nhập rồi lại quay ra nhìn nhau xem tại sao tôi làm nhiều hơn anh mà tôi lại thu nhập không bằng...", anh Minh chia sẻ.
Minh Beta là tác giả của bài hát "Việt Nam ơi". Sau khi tốt nghiệp lấy bằng Thạc sỹ tại ĐH Harvard, Minh trở về nước và mở cụm rạp chiếu phim Beta Cineplex, chuỗi cửa hàng cà phê, bánh ngọt Doco Donuts & Coffee và sản xuất một số dự án phim. Hiện chuỗi rạp chiếu phim Beta Cineplex của Minh đang vận hành 10 rạp trên toàn quốc.
Theo quan điểm quản trị nhân sự của anh Minh, bất cứ ai đi làm cũng cần có 3 thứ và người lãnh đạo phải cố gắng trao cho nhân sự của mình 3 thứ đó, bên cạnh việc xây dựng hệ thống KPI (Chỉ số đánh giá thực hiện công việc) và cơ chế lương – thưởng công bằng, thì mới mong nhân sự gắn bó với công ty lâu dài.
"Ba thứ" anh Minh đề cập gồm:
1- Autonomy - Quyền tự quyết nhất định trong công việc
Founder Beta Cineplex chia sẻ cách giữ chân nhân sự.
Nếu nhân viên đi làm mà cảm giác công việc cứ lặp lại ngày này qua ngày khác như một cái máy, sẽ rất chán. Những việc lặp lại và nhàm chán sẽ diệt động lực làm việc đi rất nhiều.
"Khi xây dựng KPI, tôi luôn cho họ một khoảng quyền nhất định, để họ có thể tư duy và linh hoạt trong công việc hàng ngày, thay vì cứ lặp lại sẽ rất chán", anh Minh nói.
2 - Sense of Mastery - Kế hoạch thăng tiến
Ngày qua ngày, người sếp phải có lộ trình thăng tiến cho họ. Họ sẽ thăng tiến ra sao? Học được điều gì mới trong công việc? Khi nhìn thấy lộ trình sự nghiệp rõ ràng thì họ sẽ ngày càng thích.
"Giống như chúng ta chơi game, phải lên level mới có hứng thú chơi tiếp. Còn nếu ngày nào cũng chơi game cứ thắng thắng, thua thua mà không có động lực gì để tiến lên tiếp thì cũng fail. Kế hoạch của tôi là xây dựng cho họ kế hoạch phát triển bản thân, dù tự học hay ra ngoài học thì cũng là điều cần thiết", anh Minh chia sẻ.
3 – Purpose – Mục tiêu
Mục tiêu không chỉ đơn giản là câu chuyện đạt doanh số này, lợi nhuận kia, mà là mục tiêu gắn kết lớn hơn với xã hội. Doanh nghiệp mình tồn tại để làm gì? Phục vụ cho việc gì? Và tại sao chúng ta lại tồn tại? Chúng ta đang mang lại giá trị gì cho xã hội? Và từng em trong doanh nghiệp của chúng ta đóng vai trò thế nào vào mục tiêu chung đấy?
"Khi các nhân viên hiểu họ đang là mắt xích quan trọng trong một cỗ máy phục vụ cho xã hội, vì một tương lai tốt của cộng đồng, công việc lúc ấy đối với họ không đơn thuần là kiếm sống, mà còn là mục tiêu cuộc đời".
"Nếu đảm bảo cho họ 3 thứ đó thì tôi nghĩ sẽ tối ưu được việc giữ chân nhân sự. Đương nhiên, có những người có đam mê, mục tiêu riêng thì không thể tránh được chuyện họ đi. Câu chuyện quản trị vốn chỉ là tối ưu, chứ không có cái gì là hoàn hảo được", anh Minh thẳng thắn.
Wetalk #3 - Kinh doanh chuỗi, không phải cứ mở là thắng!