James Howells – kỹ sư IT 35 tuổi sống tại Newport (Wales), cho biết anh đã vứt bỏ thiết bị này khi dọn nhà vào năm 2013. Howells cho biết, anh có 2 ổ cứng máy tính xách tay giống hệt nhau và vô tình vứt chiếc máy có mật khẩu riêng để truy cập vào ví, cùng số Bitcoin vào thùng rác.
James Howells bất lực nhìn hơn 7.000 Bitcoin "nằm" ngoài bãi rác.
Sau 8 năm, Howells vẫn tự tin rằng anh có thể khôi phục số Bitcoin đó. Dù phần bên ngoài của ổ cứng có thể bị hỏng và rỉ sét, nhưng anh tin rằng bộ phận bên trong vẫn còn nguyên vẹn. Anh chia sẻ với CNBC: "Có nhiều khả năng bên trong ổ đĩa vẫn sử dụng được. Sau đó, các chuyên gia khôi phục dữ liệu có thể dựng lại hoặc lấy dữ liệu trực tiếp từ ổ đĩa."
Howells cho biết anh có 7.400 Bitcoin. Với mức giá ở hiện tại, số Bitcoin này sẽ trị giá 280 triệu USD. Anh nói rằng cách duy nhất để lấy lại số Bitcoin đó là khôi phục quyền truy cập vào ổ cứng đã bị vứt đi 8 năm trước.
Tuy nhiên, anh cần phải có sự chấp thuận của Hội đồng thành phố Newport để tìm kiếm tại một bãi rác mà anh tin rằng có chiếc ổ cứng đó. Trong khi đó, bãi rác này lại không mở cửa tự do và việc đến đây sẽ bị coi là hành vi phạm tội.
Howells đã đề nghị quyên góp 25% số giá trị Bitcoin bị mất – khoảng 70,8 triệu USD, cho "Quỹ Cứu trợ Covid" của thành phố quê hương mình nếu anh tìm lại được chiếc ổ cứng. Ngoài ra, anh cũng hứa sẽ tài trợ cho dự án lấy thông tin từ ổ cứng với sự trợ giúp của một quỹ phòng hộ không được tiết lộ tên.
Tuy nhiên, Hội đồng Thành phố Newport cho đến nay vẫn bác bỏ yêu cầu của Howells về việc tìm kiếm tại bãi rác. Giới chức cho biết họ lo ngại về vấn đề môi trường và kinh phí. Hơn nữa, dường như các quan chức địa phương sẽ không sớm đưa ra quyết định như Howells mong muốn.
Anh chia sẻ: "Theo như những gì tôi biết thì họ đã bác bỏ lời đề nghị. Dù chưa nghe tôi trình bày về kế hoạch và thậm chí tôi cũng không có cơ hội để đưa ra giải pháp cho những mối lo ngại của họ về môi trường, nhưng họ vẫn nói ‘không’."
Người phát ngôn của hội đồng thành phố cho biết, họ đã "liên hệ với Howells nhiều lần kể từ năm 2013 về khả năng lấy lại một phần của phần cứng được cho là có chứa Bitcoin", lần đầu tiên là vài tháng sau khi anh này phát hiện bị mất ổ cứng.
Người này cho biết thêm: "Hội đồng đã nói với Howells rằng trong một số trường hợp, việc tìm kiếm là không thể theo sự cấp phép của chúng tôi. Và quá trình này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường của khu vực xung quanh."
Ngoài ra, các quan chứng địa phương cũng lo ngại về chi phí đào bãi rác, việc lưu trữ và xử lý chất thải có thể lên tới hàng triệu bảng Anh. Trong khi đó, họ không nhận được bất kỳ sự đảm bảo nào về việc tìm thấy chiếc ổ cứng hay nó vẫn hoạt động bình thường.
Không khó để hình dung tại sao Howells lại muốn tìm kiếm thiết bị này. Trong vài tháng quá, Bitcoin đã tăng bùng nổ, chạm mức cao nhất mọi thời đại là 42.000 USD vào tuần trước sau đó rớt mạnh. Dẫu vậy, giá của đồng tiền số này lại hồi phục trong tuần này.
Howells không phải là người đầu tiên rơi vào tình huống "dở khóc dở cười", khi sở hữu Bitcoin mà lại không thể sử dụng. Hôm thứ Ba, New York Times đã đưa tin về một lập trình viên tại San Francisco không thể sử dụng 7.002 Bitcoin – có giá 267,8 triệu USD, do anh quên mật khẩu để mở ví chứa tiền số.
Mạng lưới của Bitcoin có tính phi tập trung, có nghĩa là đồng tiền này không bị kiểm soát bởi 1 cá nhân duy nhất mà là một mạng lưới máy tính. Mỗi giao dịch bắt nguồn từ một ví có "mã khóa riêng". Đây là một "chữ ký" kỹ thuật số và cung cấp "chứng minh toán học" rằng giao dịch được thực hiện đến từ chính chủ sở hữu chiếc ví.