Tỷ phú làm giàu nhờ nông nghiệp
Cargill là tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ, có mạng lưới kinh doanh trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ những ngày đầu thành lập năm 1865, Cargill luôn tập trung vào ngành nghề cốt lõi của mình - nông nghiệp, thực phẩm.
Không như suy nghĩ của nhiều người về sự nghèo khó nếu đầu tư vào nông nghiệp. Cargill liên tục lớn mạnh trong hơn 150 năm lịch sử. Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, Cargill vẫn có mức tăng trưởng tốt.
Nếu là một công ty đại chúng, Cargill có thể đứng thứ 19 trong bảng xếp hạng Fortune 500. Doanh thu năm 2016 của công ty đạt tới 107,1 tỷ USD, con số này thậm chí còn cao hơn số tiền mà hãng HP danh tiếng thu về được.
Đáng chú ý, có tới 14 thành viên trong gia đình Cargill ghi danh trong danh sách những tỷ phú giàu có nhất thế giới do Forbes công bố. Tuy vậy, rất hiếm khi tỷ phú nhà Cargill xuất hiện trên báo chí. Mọi người chỉ biết đến họ khi hàng loạt báo cáo thị trường được công bố.
Theo đó, mỗi thứ người Mỹ tẩm bổ cho cơ thể đều có chứa ít nhất một phần nguyên liệu mang nhãn hiệu Cargill.
Câu chuyện như Cargill không phải chỉ có ở Mỹ. Dabaco là một doanh nghiệp Việt Nam có trên 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT công ty xác định mô hình khép từ trang trại đến bàn ăn sẽ là hướng để Dabaco phát triển lâu dài. Trong đó, sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm là những khâu quan trọng.
Hiện nay, Dabaco là một đối thủ nặng ký của Cargill Việt Nam – chi nhánh của Cargill tại hải ngoại.
Năm 2016, Dabaco đạt 451 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 55% chỉ tiêu đăng ký với Đại hội cổ đông. Đây cũng được xem là năm công ty đạt kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay. Năm 2017, Dabaco đặt mục tiêu tổng doanh thu 9.265 tỷ đồng. Ông Nguyễn Như So là Chủ tịch giữ gần 20% cổ phiếu của công ty. Vốn hóa trên sàn chứng khoán của Dabaco là hơn 2.500 tỷ đồng.
Làm sao để trở thành Cargill?
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Dabaco không phải doanh nghiệp duy nhất tham gia hoạt động trong lĩnh vực ông quản lý. Bên cạnh những cái tên kỳ cựu như Vissan và Vinamilk, có rất nhiều “đại gia” bất động sản, tài chính cũng chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp.
Dự án nuôi bò của Hoàng Anh Gia Lai, sản phẩm sữa tươi của Tập đoàn TH, rau sạch của VinEco là những thương hiệu mới nổi được người tiêu dùng đón nhận. Trong tương lai, những người giàu có như Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài sẽ cho ra mắt sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của mình.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhìn thấy tín hiệu đáng mừng khi nông nghiệp đón nhận làn sóng đầu tư của nhiều doanh nghiệp có tiềm lực vốn lớn. Ông Nguyễn Xuân Cường nhận định các doanh nghiệp có thể đã nhìn thấy “tiềm năng sinh lời” của khu vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, để có sự tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp rất cần đầu tư công nghệ cao. Bởi, điều kiện tự nhiên hiện nay quá phức tạp không thể có lợi nhuận nếu chỉ làm theo phương cách dân gian.
Với kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhà khoa học Trần Lệ nhìn thấy nhiều doanh nghiệp trong ngành đang có suy nghĩ chưa thật đầy đủ.
Theo ông, không thể tự xưng là nông nghiệp công nghệ cao khi xây dựng được vài ngôi nhà kính có thắp đèn điện và tưới nhỏ giọt. Bởi lẽ, môi trường nhân tạo như vậy dù tốt cho cây nhưng gây hại rất lớn tới môi trường.
Chẳng hạn, khi mưa xuống, đất không còn được hứng nước mưa khiến mạch nước không còn. Sông, suối cũng vì thế mà thay đổi dòng chảy. Nông nghiệp công nghệ cao không chỉ đơn thuần mang tới năng suất cao, sản phẩm chất lượng tốt mà còn cần bảo vệ môi trường. Như vậy, doanh nghiệp còn cần thiết kế những đường gom nước, tạo lập dòng chảy dưới đất.
Trong nông nghiệp, vấn đề không đơn giản chỉ là tạo ra dòng chảy cho nước. Đó còn là con đường phát triển dành cho người đời sau.
Nếu chỉ làm giàu bằng cách khai thác thiên nhiên, thì dù có áp dụng các giải pháp từ Isarel, Hà Lan,... cũng không phải là công nghệ cao. Những nhà điều hành ở Cargill cũng tuyệt đối thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường mới có một doanh nghiệp lớn mạnh như ngày nay.
Hẳn nhiên, còn quá sớm để cho rằng Việt Nam sẽ có những doanh nhân tỷ phú như gia đình Cargill. Thực tế hiện nay chỉ số ít doanh nghiệp chú ý tới nông nghiệp trong nước. Ngay cả làn sóng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cũng mới khởi phát được vài năm nay.
Song, câu chuyện của 14 tỷ phú nhà Cargill cho thấy sự giàu có không nhất hoàn toàn đến từ việc bán đi toàn bộ mảnh đất. Con đường trở thành tỷ phú thế giới có thể bắt đầu khi sự màu mỡ của đất được sử dụng hiệu quả.