Đầu tháng Tám này, cả hai hãng nghiên cứu danh tiếng Strategy Analytics và Counterpoint đều đưa ra các báo cáo cho thấy tổng lượng xuất xưởng smartphone trong Quý 2/2019 sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu vậy đây là quý thứ ba liên tiếp, tổng lượng smartphone xuất xưởng toàn thị trường sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, một dấu hiệu cho thấy sự suy thoái của cuộc cách mạng smartphone.
Trên thực tế điều này đã được nhiều chuyên gia trong ngành cũng như những nhà sản xuất danh tiếng nhận thấy từ lâu. Nhưng nhận thấy xu hướng của thị trường là một chuyện, làm sao có thể duy trì tăng trưởng và kiếm lợi nhuận từ một thị trường đang suy giảm lại là một câu chuyện hoàn toàn khác – điều này có lẽ không nhiều hãng có thể làm được.
Apple – khóa chặt người dùng vào hệ sinh thái của mình
Apple có một thế mạnh mà không đối thủ nào khác có được – khả năng kiểm soát đến từng dòng code trên iOS cũng như đến từng con ốc trên iPhone hay iPad. Điều đó cho phép họ tạo nên sự liền mạch trong hệ sinh thái phần mềm của iOS, điều giúp giữ chân người dùng ở lại với những chiếc iPhone, iPad, cũng như củng cố sự trung thành với thương hiệu của Apple.
Sự liền mạch đó càng được Apple củng cố thêm bằng ra mắt các phụ kiện thông minh như Apple Watch và AirPods. Những phụ kiện nhỏ đó củng cố thêm sự gắn kết trong hệ sinh thái Apple và khóa chặt người dùng ở lại trong đó. Quan trọng hơn, nó mang lại cho Apple những khoản doanh thu khổng lồ từ việc bán các phụ kiện và dịch vụ đi kèm. Đó chính là chiến lược của Apple để đối phó với sự sụt giảm trên thị trường smartphone.
Báo cáo thu nhập quý vừa qua là minh chứng cho thấy sự thành công của chiến lược này. Dù doanh thu từ iPhone tiếp tục sụt giảm và thậm chí không còn chiếm đến một nửa tổng doanh thu quý của công ty nữa, nhưng Apple vẫn có được doanh thu Quý 2 cao nhất từ trước đến nay, với sức tăng trưởng mạnh mẽ từ Apple Watch và AirPods.
Giờ đây Apple còn đang mạnh tay đầu tư cho các dịch vụ thuê bao, như Apple TV+ cho stream các show truyền hình hay Apple Arcade dịch vụ chơi game không giới hạn, để làm đa dạng thêm nguồn thu mới cho mình.
Samsung – mở rộng vòng tay với các đối thủ
Samsung có lẽ cũng nhận ra xu hướng thoái trào của thị trường smartphone, đặc biệt trên phân khúc cao cấp với các thiết bị đắt tiền. Điều này lại càng khó khăn hơn với các nhà sản xuất thiết bị Android khi họ dùng chung hệ điều hành của Google. Dù có thay đổi giao diện thế nào đi nữa, họ cũng không tạo nên quá nhiều khác biệt về tính năng phần mềm so với các đối thủ. Lựa chọn gần như duy nhất của họ là tạo nên khác biệt về phần cứng.
Và Samsung đang nhanh tay tận dụng cơ hội đó. Họ có một thế mạnh hơn hẳn các đối thủ sản xuất thiết bị Android khác. Họ làm chủ khả năng sản xuất nên những thành phần quan trọng nhất trong mỗi chiếc smartphone: chip nhớ, màn hình cũng như bộ xử lý và cảm biến chụp ảnh.
OnePlus 7 Pro sử dụng bộ nhớ UFS 3.0 và màn hình 90Hz của Samsung.
Samsung có trong tay công nghệ chip nhớ UFS 3.0, màn hình 90Hz, màn hình thác nước cong hai cạnh, cũng như cả cảm biến chụp ảnh 64MP và 108MP "siêu khổng lồ". Thế nhưng Samsung cũng hiểu rằng, với xu thế smartphone đang thoái trào như hiện nay, trang bị các công nghệ cao cấp sẽ khiến chi phí và giá thành thiết bị đẩy lên quá cao, sẽ càng khiến doanh số tụt giảm, nhưng nếu không làm vậy, công sức R&D sẽ bị lãng phí.
Tuy nhiên, Samsung cũng nhận ra rằng dù thị trường không còn tăng trưởng cao, nhưng lượng người mua thiết bị vẫn cao và các đối thủ đang cố gắng giành nốt lấy phần còn lại của miếng bánh. Vì vậy, nếu Samsung cung cấp các công nghệ mới đó cho đối thủ của mình – những hãng đang muốn có các phần cứng đặc biệt để tạo nên khác biệt – Samsung vẫn thu được lợi nhuận ngay cả khi không đưa nó lên thiết bị của mình.
Điện thoại Xiaomi trở thành thiết bị đầu tiên sử dụng cảm biến ảnh 108MP của Samsung.
Khôn khéo hơn nữa khi Samsung lại phân tán các công nghệ đó ra cho nhiều đối thủ khác nhau do mỗi hãng lại có những tập khách hàng trung thành riêng. Xiaomi thường bị chê bai vì camera kém thì được trang bị cảm biến 64MP và 108MP của Samsung. OnePlus dành cho người dùng yêu cầu tốc độ cao nhất lại có bộ nhớ UFS 3.0 và màn hình 90Hz. Còn Huawei, Vivo muốn tạo ra các thiết kế khác biệt lại được cung cấp các màn hình "thác nước" độc đáo.
Một báo cáo mới đây từ DigiTimes còn cho biết, một trong 4 thương hiệu smartphone hàng đầu Trung Quốc đã quyết định sử dụng chip Exynos 9630 với modem 5G Exynos 5100 bên trong cho thiết bị của mình. Khi mạng 5G đang được triển khai mạnh mẽ tại Trung Quốc và không phải nhà sản xuất nào ở nước này cũng đủ khả năng tự phát triển modem 5G như Huawei, tìm đến sản phẩm do Samsung cung cấp đang trở thành sự lựa chọn hợp lý hơn.
Rõ ràng Samsung đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thị trường smartphone đi xuống như thế nào. Thay vì là hãng đầu tiên ra mắt những thiết bị đắt tiền với các công nghệ cao cấp, họ đang dành việc đó cho những đối thủ khác, còn họ tập trung vào việc nghiên cứu và cung cấp những công nghệ đó.
Trong khi đó bản thân Samsung lại giành các nâng cấp lớn cho các thiết bị tầm trung của mình, nơi sẽ đảm bảo doanh số giữa lúc thị trường đi xuống. Dòng Galaxy A được trang bị màn hình AMOLED, dòng Galaxy M được trang bị pin lớn, những nâng cấp này đã giúp Samsung tăng trưởng mạnh trên các thị trường quan trọng như châu Âu và Ấn Độ, trong khi nhiều đối thủ lại đi xuống.
Công nghệ chip 3nm GAA mới của Samsung.
Chiến lược này càng trở nên rõ ràng hơn với việc vào đầu tháng 4 năm nay, Samsung tuyên bố sẽ đầu tư 116 tỷ USD từ nay đến năm 2030 để giành lấy ngôi vị số một trong ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn.
Bộ phận gia công chip Samsung Foundry cũng đã được tách ra thành một công ty riêng từ năm 2017 để thu hút thêm các khách hàng ngoài tập đoàn. Tháng 5 năm nay, Samsung đã giới thiệu tiến trình chip mới như 3nm với các tiến bộ vượt trội công nghệ hiện tại, nhằm giành lấy các đơn hàng gia công chip từ tay đối thủ TSMC.
Với thị trường IoT và xe tự lái đang trên đà bùng nổ, nhu cầu cho những con chip nhỏ hơn, mạnh hơn cũng như nhiều tính năng hơn sẽ còn mạnh mẽ hơn cả trên smartphone và Samsung không muốn mình bị bỏ lại trên sân chơi đó.
Samsung và Apple đều đã có chiến lược chuẩn bị cho sự thoái trào của thị trường smartphone, nhưng các đối thủ còn lại của họ không có nhiều thế mạnh và lựa chọn như vậy. Ngay cả Huawei, dù còn trụ cột khác là mảng kinh doanh thiết bị viễn thông, cũng đang lao vào cuộc chiến "đẫm máu" giành giật thị phần smartphone với những người chơi khác.