Đó là thông tin trong một đơn trình tòa tối 1.9 (giờ Mỹ) của nhóm luật sư của Papadopoulos, 29 tuổi, người cũng khai chính ông Trump đồng ý với việc anh ta nỗ lực tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin, vào lúc ông Trump đang tranh cử tổng thống Mỹ 2016.
Lời giải thích mới rằng, Papadopoulos khai man với Cục điều tra Liên bang (FBI) cũng cho thấy các chi tiết mới về những gì anh ta đã khai với nhóm điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Muller, vị chỉ huy điều tra hai nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, và nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga.
Papadopoulos bị bắt ngày 27.7.2017, và bắt đầu hợp tác với cuộc điều tra của ông Muller.
Dự kiến ngày 7.9, Papadopoulos sẽ bị thẩm phán Randolph Moss tuyên án. Nhóm điều tra của ông Muller đề nghị 6 tháng tù ở một nhà tù liên bang, về tội khai man khiến họ mất cơ hội thẩm vấn Mifsud khi ông này còn ở Mỹ.
Công tố viên cũng nói ngay sau khi nhận tội và đồng ý hợp tác với nhóm điều tra, Papadopoulos vẫn chỉ cung cấp ít thông tin mà FBI chưa có.
Để phản bác lại, nhóm luật sư của Papadopoulos trình các chi tiết về lời khai của bị cáo với ông Mueller, như một phần thỏa thuận hợp tác với cuộc điều tra.
“Bị cáo muốn thể hiện bản thân để có việc làm trong chính phủ Mỹ”
Theo đơn trình tòa 16 trang, các đặc vụ FBI đã gặp Papadopoulos, sau khi anh ta vừa rời khỏi phòng tắm ở nhà mẹ anh ta ở Chicago ngày 27.1.2017, tức đúng một tuần sau khi ông Trump làm lễ nhậm chức tổng thống Mỹ.
Các đặc vụ FBI muốn hỏi Papadopoulos về mối quan hệ của anh ta với Joseph Mifsud, một vị giáo sư ở London và có quan hệ với Điện Kremlin, cùng những người khác liên quan đến cuộc điều tra nghi án nhóm tranh cử thông đồng với Nga.
Papadopoulos thú nhận đã khai man với các đặc vụ FBI, rằng mối quan hệ với Mifsud bắt đầu từ trước khi anh ta tham gia nhóm tranh cử, dù thực tế là mối quan hệ này bắt đầu từ sau khi anh ta được chọn làm cố vấn chính sách đối ngoại hồi tháng 3.2016, dù anh ta không hề có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga.
Nhóm luật sư nói Papadopoulos rất xấu hổ và ăn năn việc khai man với FBI, nhưng nói thêm chỉ vì anh ta muốn có việc làm trong chính phủ Trump, và sợ mất cơ hội này nếu khai sự thật với đặc vụ FBI.
Đơn viết: “Bị bất ngờ trong cuộc điều tra đột xuất, Papadopoulos lừa các nhà điều tra nhằm duy trì khát vọng có việc làm, và có lẽ bảo vệ sự trung thành sai lầm với chủ của bị cáo”, ám chỉ ông Trump.
Giáo sư Mifsud được cho là có quan hệ với Nga - Ảnh: Getty Images
Ông Trump “gật đầu” duyệt ý tưởng gặp ông Putin
Đơn trình tòa còn nêu Papadopoulos đã khai với FBI, rằng ông Trump “gật đầu”, khi anh ta đề xuất sử dụng mối quan hệ với Nga để lập một cuộc gặp giữa ứng cử viên tổng thống Trump với ông Putin.
Đơn nêu trong cuộc gặp nhóm cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump ở Washington vào ngày 31.3.2016, Papadopoulos đã trình kế hoạch gặp ông Putin.
Cuộc họp này do ông Trump chủ trì, có cả ông Jeff Session (lúc đó là thượng nghị sĩ, nay là Bộ trưởng Tư pháp Mỹ).
Đơn viết: “Sốt ruột chứng tỏ mình có giá trị với cuộc tranh cử, Papadopoulos tuyên bố tại cuộc họp, rằng bị cáo có mối quan hệ và có thể tạo dễ dàng cho một cuộc họp đối ngoại giữa ông Trump với Tổng thống Vladimir Putin. Trong khi một số người trong phòng phản ứng với đề xuất này, ông Trump gật đầu phê duyệt, giao ông Sessions, người có vẻ thích đề xuất này, và nói nhóm tranh cử nên xem xét”.
Đoạn văn này có vẻ mâu thuẫn với lời giải trình của ông Sessions trước Quốc hội Mỹ năm 2017, rằng ông “phản đối” ý tưởng cuộc gặp Trump-Putin, và ông nói thẳng với Papadopoulos rằng anh ta không được phép đại diện nhóm tranh cử về vấn đề này.
Nhưng đoạn văn xác nhận một chi tiết từng được tiết lộ trong cuốn sách “Cờ quay Nga” (của hai tác giả Michael Isikoff-David Corn) rằng, Papadopoulos cho rằng Trump “khuyến khích anh ta theo đuổi đề xuất”.
Thực tế là sau cuộc gặp ông Trump - Sessions, Papadopoulos tung nỗ lực tổ chức cuộc gặpTrump-Putin, nhiều lần gặp Giáo sư Mifsud, một thiếu nữ Nga có tên Olga (mà anh ta tin sái cổ là “cháu gái Putin”) và chủ nhiệm một tổ chức nghiên cứu ở London và có quan hệ với Điện Kremlin.
Papadopoulos đều báo cáo các cuộc tiếp xúc này với nhóm tranh cử của ông Trump.
Bộ trưởng Tư pháp Sessions giải trình với Quốc hội Mỹ - Ảnh: AP
Papadopoulos nhậu say, nói Nga có “thông tin bẩn” về bà Clinton
Đơn trình tòa cũng cho biết một ví dụ về “thông tin nhạy cảm” trước đó chưa được khai: sau khi tin là ông Trump “gật đầu” đồng ý tổ chức cuộc gặp ông Putin, trong một bữa sáng gặp Mifsud ở một khách sạn tại London vào ngày 26.4.2016, Papadopoulos được biết Nga có “thông tin bẩn” về bà Hillary Clinton, người thua ông Trump trong cuộc bầu cử.
Chưa thể rõ Papadopoulos có báo cáo nhóm tranh cử về chuyện này hay không. Nhóm luật sư viết trong đơn, rằng sau này anh ta khai với FBI rằng “không nhớ” đã báo cáo hay chưa.
Báo New York Times cũng từng đưa tin: trong một bữa nhậu say bét nhè ở tại quán bar Kensington Wine Rooms ở London (Anh) vào một tối tháng 5.2016, Papadopoulos nói với cựu Ngoại trưởng Úc Alexander Downer, rằng Điện Kremlin có “thông tin có thể bôi bẩn” bà Clinton, dưới dạng “hàng ngàn e-mail”, mà tin tặc Nga đã chiếm được sau khi xâm nhập máy chủ điện toán cá nhân của bà Clinton và của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC).
Times nói sau đó, Úc đã báo với FBI, qua tháng 7.2016, FBI mở cuộc điều tra về hai nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, và nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga.
Đơn trình tòa cũng cho biết vào cuối tháng 5.2016, ngay trước khi Tổng thống Putin có chuyến thăm Hy Lạp, Papadopoulos “xì” cho chính quyền Hy Lạp biết một bí mật có thể tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ: chính phủ Nga “sở hữu thông tin bẩn” về bà Clinton.
Thông tin cuộc đối thoại giữa Papadopoulos với một quan chức Hy Lạp cấp cao trong đơn nói là ngoại trưởng, ý chỉ ông Nikolaos Kotzias chính là dấu chỉ đầu tiên rằng anh ta phát cùng thông tin đến một chính phủ khác, cho thấy có thể anh ta muốn kích hoạt quan hệ thân cận giữa Nga với Hy Lạp.
Lúc đó, theo giới truyền thông, ông Putin muốn chia rẽ Hy Lạp với EU, và khuyến khích Hy Lạp ủng hộ xóa lệnh cấm vận mà EU áp với Nga, với cớ Nga sáp nhập Crimea.
Nỗ lực của ông Putin phù hợp với sự nhập nhằng của nhóm tranh cử Trump về việc tiếp tục trừng phạt Nga.
Chuyến thăm của Tổng thống Putin có vài kết quả, như khi gặp Thủ tướng Alexis Tsipras, ông nói Nga “sẽ không bao giờ đàm phán về chuyện sáp nhập Crimea”.
Và ông Tsipras không phản đối, nói với ông Putin: “Tôi xin nhấn mạnh lần nữa, rằng lựa chọn chiến lược của chúng tôi là tăng cường quan hệ với Nga”, theo thông tin của Điện Kremlin về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
Thủ tướng Hy Lạp tiếp Tổng thống Nga Putin - Ảnh: Reuters