Trợ lý của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen bị bắt

Hữu Hiển |

Duong Dara - Thư ký Nhà nước tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia và là trợ lý của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen - đã bị bắt vào ngày 10/10 vì bị cáo buộc lừa đảo.

Tờ Khmer Times của Campuchia đưa tin, Duong Dara - Thư ký Nhà nước tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, và là trợ lý của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen - đã bị bắt vào ngày 10/10 vì bị cáo buộc lừa đảo hàng triệu USD của hơn 400 gia đình ở tỉnh Svay Rieng của nước này thông qua chương trình đa cấp của tập đoàn Phum Khmer từ năm 2020 đến năm 2024.

Duong Dara (thứ 2 từ trái sang) đã bị Cảnh sát thành phố Phnom Penh, Campuchia, bắt giữ vì tội lừa đảo vào ngày 10/10. Ảnh: Cảnh sát Campuchia

Phó công tố viên kiêm người phát ngôn của Tòa án thành phố Phnom Penh Plong Sophal cho biết hôm 14/10 rằng, Dara phải đối mặt với mức án từ 6 tháng đến 3 năm tù nếu bị kết tội, nhưng ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ án.

Người phát ngôn của Cảnh sát Hoàng gia Campuchia Chhay Kim Khoeun cho biết, Dara đã bị Cảnh sát thành phố Phnom Penh bắt giữ vào ngày 10/10 sau khi trở về từ Trung Quốc và đã bị thẩm vấn.

“Đúng vậy, ông Dara đã bị thẩm vấn. Còn câu chuyện đằng sau đó, cần phải chờ thêm thông tin từ tòa án”, ông Kim Khoeun nói với Hiệp hội Liên minh Nhà báo Campuchia (CamboJA News).

Theo CamboJA News, Duong Dara là người tạo ra trang Facebook chính thức của ông Hun Sen và sau đó trở thành trợ lý của ông. Vào tháng 11/2020, Dara được bổ nhiệm làm Thư ký Nhà nước tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia. Năm 2022, cha đỡ đầu của Dara là Ly Sameth được bổ nhiệm làm cố vấn cho cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen - người hiện là Chủ tịch Thượng viện nước này.

Vụ bắt giữ Dara diễn ra vài ngày sau khi ông Hun Sen thông báo trên Facebook rằng Ly Sameth đã lừa đảo một số người Campuchia trong hai năm qua bằng cách đòi hối lộ để đổi lấy sự ưu ái và chức vụ trong chính phủ nước này.

“Ly Sameth luôn sử dụng tên của tôi để lừa đảo mọi người, nói với họ rằng ông ta có thể ra vào nhà tôi bất cứ lúc nào, nhưng Ly Sameth không biết nhà tôi ở đâu”, Khmer Times dẫn thông tin từ trang Facebook của ông Hun Sen.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia cũng kêu gọi đóng băng tài sản của Sameth và yêu cầu Tòa án thành phố Phnom Penh buộc ông ta phải trả lại tiền cho những nạn nhân của vụ lừa đảo. Khoản tiền được ông Hun Sen ước tính lên tới hơn 10,5 triệu USD.

Theo Khmer Times, chính quyền địa phương đã ban hành lệnh bắt giữ đối với Ly Sameth. Tuy nhiên, ông ta đã bỏ trốn khỏi nhà trước khi cảnh sát xuất hiện. Sameth bị truy nã vì cáo buộc lừa dối các quan chức bằng cách sử dụng tên của ông Hun Sen.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen tiết lộ rằng, Ly Sameth (ảnh nhỏ) - cha đỡ đầu của Duong Dara - đã lừa đảo một số người trong hai năm qua bằng cách đòi hối lộ để đổi lấy sự ưu ái và chức vụ trong chính phủ Campuchia.

Lừa đảo hàng triệu USD của hơn 400 gia đình

Trung tá Lim Bunna - Phó Trưởng phòng Điều tra Tội phạm thành phố Phnom Penh - nói với Khmer Times rằng Duong Dara đã bị bắt tại Phnom Penh vào ngày 10/10, theo lệnh bắt giữ do công tố viên của Tòa án thành phố Phnom Penh ban hành.

Trung tá Bunna cho biết, hơn 400 gia đình ở Svay Rieng đã kiện Dara cùng em trai của ông ta là Duong Virath - cổ đông lớn của tập đoàn Phum Khmer, và Okhna Som Sothea - chủ sở hữu Phum Khmer.

Những gia đình này tố cáo rằng họ đã bị ba người kể trên lừa đảo thông qua chương trình đa cấp của Phum Khmer. Các nạn nhân khẳng định rằng mỗi người đã đầu tư ít nhất 10.000 USD đến 120.000 USD vào các dự án của Phum Khmer để mua đất và kiếm được lãi suất hàng tháng cao hơn từ doanh nghiệp này.

"Theo các nạn nhân - những người đã đầu tư tiền của họ vào tập đoàn Phum Khmer - đã được chủ sở hữu doanh nghiệp hứa trả 4% hàng tháng", ông Bunna nói.

“Trong vòng 3 đến 5 tháng sau khi đầu tư, các nạn nhân nhận được khoản thanh toán lãi hàng tháng là 4% từ công ty, nhưng đến tháng tiếp theo, họ không nhận được tiền”, ông Bunna nói.

Những người mua đất từ Phum Khmer đã không nhận được quyền sở hữu sau khi trả tiền cho doanh nghiệp, ông Bunna nói thêm.

Theo Khmer Times, Công tố viên của Tòa án thành phố Phnom Penh cũng từng bắt giữ và buộc tội Oknha Som Sothea hồi tháng 6 vì tội lừa đảo. Ông này được tại ngoại sau khi nộp số tiền bảo lãnh là 800.000 USD.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại