Trò chơi giác đấu: Từ nghi thức linh thiêng đến thú tiêu khiển vô nhân tính

Công Khanh |

Sự hiếu chiến của người La Mã không chỉ thể hiện qua những chính sách của chính quyền, mà còn thể hiện qua môn thể thao nổi tiếng nhất của họ - trò chơi giác đấu.

Người La Mã cổ đại được biết đến với nhiều thành tựu: những kỳ quan kiến trúc, mạng lưới giao thông, và hệ thống luật pháp trên toàn đế quốc. Tuy nhiên, họ cũng nổi tiếng bởi bản tính hiếu chiến. Xét cho cùng, chính tính cách này là khởi nguồn giúp người La Mã xây dựng nên đế chế của mình.

Nhiều người cho rằng trò chơi giác đấu có nguồn gốc từ thời Etruscan, nền văn minh tồn tại trước thời La Mã. Trong văn hóa Etruscan, trò chơi giác đấu được xem là một phần của các nghi thức tang lễ để tôn vinh người chết.

Nói cách khác, ban đầu trò chơi giác đấu mang một ý nghĩa thiêng liêng. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, nghi thức thiêng liêng này dần trở thành một thú tiêu khiển của người La Mã.

Trò chơi giác đấu: Từ nghi thức linh thiêng đến thú tiêu khiển vô nhân tính - Ảnh 1.

Ảnh: Ancient-origins

Trận giác đấu La Mã đầu tiên được cho là diễn ra vào năm 264 TCN. Các võ sĩ giác đấu thường là những tù binh chiến tranh, nô lệ hoặc tử tù.

Việc sử dụng những bại binh trong các trò chơi này đã được phản ánh trong một số loại hình giác đấu, bao gồm Thraex (hay Thracian), Hoplomachus và Samnite. Do đó, các trận giác đấu có thể được xem như một cách để người La Mã tái hiện lại các cuộc chinh phục của mình.

Tuy nhiên, không phải tất cả các đấu sĩ đều bị ép buộc tham gia vào trò chơi này. Bất chấp cuộc sống khó khăn và bấp bênh, các đấu sĩ là những siêu sao trong ngày của họ. Có rất nhiều lợi ích khi tham gia trò chơi này - danh tiếng, vinh quang và tài sản, đủ mạnh để lôi kéo một số người trở thành những đấu sĩ tự nguyện.

Thậm chí, cũng có những ghi chép cho thấy một số hoàng đế La Mã đã trực tiếp tham gia các trận giác đấu, nổi tiếng nhất trong số đó có lẽ là hoàng đế Commodus. Tuy nhiên, hành động này của các hoàng đế đã bị một số người khinh miệt vì các đấu sĩ vốn thuộc tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội.

Trò chơi giác đấu: Từ nghi thức linh thiêng đến thú tiêu khiển vô nhân tính - Ảnh 2.

Ảnh: Ancient-origins

Các nghiên cứu phân tích mẫu răng của các đấu sĩ giác đấu được tìm thấy ở Driffield Terrace, York, Vương quốc Anh cho thấy các đấu sĩ thường xuất thân từ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. 

Hầu hết họ đều bị suy dinh dưỡng nặng. Số còn lại được nuôi dưỡng tốt để thích nghi với cuộc sống chiến đấu sau này - có lẽ bởi vậy nên trông họ mạnh mẽ hơn và có vẻ ngoài ấn tượng hơn trong các trận giác đấu.

Mặc dù có địa vị xã hội rất thấp, các võ sĩ giác đấu có nhiều cơ hội nhận được sự bảo trợ của các tầng lớp thượng lưu, thậm chí là của chính hoàng đế. Theo nhà sử học Suetonius, "bạo chúa" Nero đã từng trao thưởng cho võ sĩ giác đấu Spiculus những ngôi nhà và các bất động sản giá trị sau khi chiến thắng trong một trận đấu.

Trò chơi giác đấu: Từ nghi thức linh thiêng đến thú tiêu khiển vô nhân tính - Ảnh 4.

Ảnh: Ancient-origins

Mặc dù vậy, sự kiện này rất khó xác thực. Có khả năng Suetonius chỉ muốn làm nổi bật bản chất xa hoa của Nero bằng cách chứng minh rằng ông sẵn sàng ban tặng cho một cá nhân thuộc tầng lớp thấp kém những món quà đắt tiền.

Trong khi câu chuyện của Spiculus có thể là một trường hợp hiếm hoi, giả sử điều đó là đúng, thì các đấu sĩ giác đấu thực sự là những tài sản quý giá của "chủ nhân". Càng giành được nhiều chiến thắng, giá trị của các đấu sĩ càng cao.

Trò chơi giác đấu: Từ nghi thức linh thiêng đến thú tiêu khiển vô nhân tính - Ảnh 5.

Ảnh: Ancient-origins

Sự phổ biến của hình ảnh các võ sĩ giác đấu đã được tìm thấy trên các bức họa graffiti trên các bức tường ở Rome và ở các thành phố khác, nơi trò chơi này được tổ chức. 

Trò chơi giác đấu: Từ nghi thức linh thiêng đến thú tiêu khiển vô nhân tính - Ảnh 6.

Ảnh: Ancient-origins

Đến thế kỷ thứ 4 Sau CN, tính phổ biến của trò chơi giác đấu đã bị suy giảm, khi Đế quốc La Mã chấp nhận Kitô giáo là tôn giáo chính thức. Vào năm 404 Sau CN, trò chơi này đã bị cấm hoàn toàn sau cái chết của Thánh Telemachus.

Theo nhà sử học Theodoret, Telemachus là một thầy tu đến Rome từ Tiểu Á. Trong một trận giác đấu, Telemachus đã nhảy vào đấu trường để ngăn cản hai đấu sĩ chiến đấu. Tuy nhiên, các khán giả không hài lòng với hành động này, và đã ném đá vị thầy tu này đến chết.

Mặc dù vậy, người đấu dã thú - một hình thức của trò chơi giác đấu, vẫn còn tiếp diễn trong một thế kỷ tiếp theo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại