Trình sửa đổi nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Luân Dũng |

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 23.

Ngày 17/4, Ban Công tác đại biểu và Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo “Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn - những vấn đề cần hoàn thiện”.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã nghiên cứu, dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Trình sửa đổi nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm - Ảnh 1.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ảnh: QH).

Dự thảo Nghị quyết đã thể chế Quy định số 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thay thế Quy định số 262. Theo bà Thanh, điểm mới quan trọng nhất là hệ quả pháp lý của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Tại hội thảo, các đại biểu tán thành cao với việc sửa đổi Nghị quyết để cụ thể hóa Quy định số 96 của Bộ Chính trị, đồng thời khắc phục một số hạn chế, bất cập trong quy định và thực tiễn, bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý kiến cụ thể về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm…

Các ý kiến lưu ý, cần bảo đảm tính kế thừa, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong các văn bản về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn. Ngoài ra, phải rà soát các quy định trong hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND các cấp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn.

Ghi nhận các ý kiến của các vị đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện tờ trình, dự thảo Nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 23.

Trước đó, tại phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Trong đó, Ban Công tác đại biểu đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội: Xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn sẽ được thực hiện vào kỳ họp thứ 6, diễn ra vào cuối năm nay.

Có tổng số 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong diện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Các chức danh trong diện lấy phiếu tín nhiệm gồm các khối: Chủ tịch nước; Quốc hội; Chính phủ; Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội đã 3 lần lấy phiếu tín nhiệm. Tháng 6/2013, Quốc hội lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh. Vào tháng 11/2014, Quốc hội lần thứ 2 lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh.

Đến lần thứ 3, tại kỳ họp thứ 6, kỳ họp diễn ra vào cuối năm 2018, Quốc hội khoá XIV chỉ lấy phiếu tín nhiệm với 48 trong tổng số 50 chức danh, 2 chức danh mới là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ TT&TT thời điểm đó vừa được bầu, phê chuẩn, chưa đủ tối thiểu 1 năm công tác, nên chưa thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại