Anh đã trực tiếp cùng đồng đội tham gia xác minh điều tra, làm rõ nhiều vụ phá hoại hoa màu của người dân tại các xã vùng sâu như: Hòa Bình, Trà Côn…
Trưa một ngày cuối tháng 12, ông Đặng Văn Diệp (57 tuổi, ngụ xã Hòa Bình) ra thăm đồng thì tá hỏa, phát hiện 2 thửa ruộng lúa 40 ngày tuổi với diện tích 11.000m² đều ngả vàng, héo khô. Nghi có người phá hoại, ông Diệp đến trình báo cơ quan Công an.
Thượng úy Hồng kể, vụ việc xảy ra vào ban đêm, dấu vết thu tại hiện trường rất khó xác định, công tác điều tra gặp không ít khó khăn.
Nhờ công tác vận động quần chúng nhân dân cùng các biện pháp nghiệp vụ, Thượng úy Hồng phát hiện hơn 20 năm trước, gia đình ông Diệp xảy ra mâu thuẫn trong việc mua bán đất với hộ dân cùng xã.
Vụ việc đã được chính quyền địa phương giải quyết, nhưng gia đình này vẫn cho rằng chưa thỏa đáng.
Trên cơ sở điều tra, Thượng úy Hồng xác định hai chị em ruột ngụ cùng xã với ông Diệp liên quan đến vụ việc nên đề xuất lãnh đạo mời lên làm việc. Ban đầu, người em đưa ra nhiều chứng cứ ngoại phạm, khẳng định không liên quan đến vụ việc.
Qua đấu tranh, vận động thì người em mới thừa nhận, sau khi uống rượu say đã cùng chị gái sử dụng thuốc diệt cỏ, chờ đêm khuya thay phiên nhau phun lên ruộng lúa của người hàng xóm trả thù vì ấm ức chuyện cũ.
Để làm rõ các vụ việc, cán bộ điều tra phải kiên trì, kết hợp công tác vận động, tạo sự tin tưởng tuyệt đối từ người dân và dựa vào nhân dân phá án.
Trước đó, tại xã Hòa Bình, vườn cam của người dân trồng được hơn 3 tháng tuổi thì bị kẻ xấu nhổ gốc, cây héo lá.
Khi được lãnh đạo đơn vị phân công xác minh, Thượng úy Hồng khá bất ngờ phát hiện thủ phạm lại chính là người trong gia đình nạn nhân.
“Người em vợ và anh rể cùng trồng cam ngoài đồng, giáp ranh đất với nhau. Khuya hôm trước, người em vợ đi nhậu về ra thăm nước tại vườn cam nên đi ngang qua chòi canh.
Lúc này, anh rể đang nói chuyện điện thoại với người phụ nữ khác nên người em tức giận. Thay vì nói chuyện với anh rể, em vợ sang vườn nhổ sạch 4 líp vườn cam”, Thượng úy Hồng kể lại.
Sau khi được cán bộ điều tra vận động, người em rể thừa nhận do thấy chị ruột đi làm ăn xa không có nhà. Còn anh rể thì cứ thường xuyên điện thoại cho người phụ nữ khác nên trong lúc nhất thời tức giận, đã nhổ gốc vườn cam thay lời cảnh cáo.
Vụ việc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan Công an ra quyết định xử phạt hành chính.
Theo Thượng úy Hồng, qua thực tế các vụ việc xảy ra ở vùng quê, nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn cá nhân trong đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất hoặc tranh chấp kéo dài nhưng chưa được giải quyết.
Giá trị tài sản bị hủy hoại không lớn nhưng là công sức lao động của người dân nên gây tâm lý bất an, nghi kị lẫn nhau, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự, dễ phát sinh hoạt động tội phạm khác.
Từ thực tế trên, Công an huyện Trà Ôn đã phát động phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.
Các đội nghiệp vụ phân công cán bộ trực tiếp bám sát, thực hiện công tác quản lý địa bàn, chủ động nắm chắc tình hình, kiên quyết đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm.
Công an huyện Trà Ôn cũng chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp giải quyết, hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân, tránh tình trạng kéo dài.