Triều Tiên hôm 18/12 đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn mạnh nhất và tiên tiến nhất - Hwasong-18. Cuộc thử nghiệm nhằm xác nhận năng lực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng răn đe hạt nhân Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ tiếp tục gia tăng.
Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đích thân giám sát vụ phóng và tên lửa đã đạt độ cao 6.518 km, bay được khoảng cách 1.002 km và bắn trúng mục tiêu đã định.
Ông Kim tuyên bố vụ phóng đã gửi "một tín hiệu rõ ràng tới các thế lực thù địch, những kẻ đã thổi bùng lên cơn cuồng loạn đối đầu quân sự liều lĩnh" chống lại Triều Tiên trong suốt năm qua, KCNA đưa tin.
Bức ảnh không ghi ngày tháng do Chính phủ Triều Tiên công bố, được giới thiệu là vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Theo trang tin Firstpost (Ấn Độ), Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều lên án vụ thử tên lửa, cảnh báo rằng nó vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sẽ khiến bán đảo Triều Tiên trở nên kém an toàn hơn.
Vụ thử tên lửa diễn ra sau khi các quan chức quốc phòng Hàn Quốc và Mỹ gặp nhau vào tuần trước để xem xét lại kế hoạch ứng phó với kịch bản một cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên.
Vụ thử nghiệm này đã kéo dài đợt thử nghiệm vũ khí kỷ lục trong năm nay của Triều Tiên và diễn ra sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào năm ngoái rằng Bình Nhưỡng là một cường quốc hạt nhân "không thể đảo ngược".
Firstpost đã liệt kê những loại vũ khí chủ chốt trong kho vũ khí của Triều Tiên:
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có tầm bắn tối thiểu 5.500 km và được thiết kế chủ yếu để mang đầu đạn hạt nhân.
Triều Tiên lần đầu tiên tuyên bố thử nghiệm thành công Hwasong-14 – loại tên lửa có khả năng vươn tới Alaska (Mỹ) – vào ngày 4/7/2017, đúng dịp Quốc khánh Mỹ.
Ba năm sau, tên lửa Hwasong-17 thậm chí còn lớn hơn và mạnh hơn đã được trình diễn tại một cuộc duyệt binh lớn của Triều Tiên.
Triều Tiên đã bắn thứ được gọi là "tên lửa quái vật" này vào tháng 11/2022. Các nhà phân tích tin rằng đây là cuộc thử nghiệm toàn diện thành công đầu tiên của Hwasong-17, có khả năng tấn công các địa điểm trên lãnh thổ Mỹ.
Năm nay, ông Kim đã giám sát cuộc thử nghiệm thành công Hwasong-18 - tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn đầu tiên và mới nhất của Triều Tiên, dễ bảo quản và vận chuyển hơn, ổn định hơn và chuẩn bị phóng nhanh hơn, do đó khó bị phát hiện và tiêu diệt sớm hơn.
Nhưng theo Firstpost, tất cả các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên đều đã được bắn thử theo quỹ đạo nghiêng – chứ không phải hướng lên trên, để tránh bay qua Nhật Bản – đặt ra câu hỏi về hiệu suất của chúng, bao gồm khả năng tồn tại khi tái nhập bầu khí quyển và độ chính xác ở phạm vi lớn hơn.
Tên lửa hành trình
Tên lửa hành trình thường sử dụng động cơ phản lực và bay ở độ cao thấp hơn so với các tên lửa đạn đạo phức tạp hơn, khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn hơn.
Triều Tiên có một loạt tên lửa hành trình tầm ngắn, tầm trung và tầm xa.
Không giống như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình không bị cấm thử nghiệm theo lệnh trừng phạt hiện hành của Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng.
Bình Nhưỡng cho biết, vào tháng 3, hai tên lửa hành trình được phóng từ tàu ngầm đã bay được 1.500 km, đặt toàn bộ Hàn Quốc và phần lớn Nhật Bản trong tầm bắn.
Tên lửa đạn đạo tầm trung
Tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), được phóng bằng tên lửa ở giai đoạn bay đầu tiên, có tầm bắn khoảng 3.000 - 5.500 km.
Hwasong-12 - tên lửa đạn đạo tầm trung chủ chốt của Triều Tiên - có khả năng tấn công lãnh thổ Guam của Mỹ.
Bình Nhưỡng lần đầu tiên thử nghiệm thành công tên lửa Hwasong-12 vào tháng 5/2017 và kể từ đó đã bắn ba biến thể của tên lửa này qua Nhật Bản và ra Thái Bình Dương.
Triều Tiên bị cấm thử tất cả các tên lửa đạn đạo theo lệnh trừng phạt hiện hành của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Bức ảnh không ghi ngày tháng do Chính phủ Triều Tiên cung cấp cho thấy cuộc thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn mới được thiết kế cho tên lửa đạn đạo tầm trung ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) có thể được phóng từ dưới biển, khiến chúng cực kỳ cơ động và khó bị phát hiện.
Khả năng của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đã được kiểm chứng sẽ đưa kho vũ khí của Triều Tiên lên một tầm cao mới, cho phép triển khai xa hơn bán đảo Triều Tiên và có khả năng phóng lần hai trong một cuộc tấn công.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đang hoạt động của Triều Tiên được gọi là Pukguksong-3, có tầm bắn ước tính khoảng 1.900 km. Vào tháng 10/2021, Triều Tiên đã tuyên bố thử nghiệm thành công phiên bản mới của tên lửa này.
Nhưng khả năng phóng tên lửa chính xác từ trên biển của Bình Nhưỡng vẫn chưa rõ ràng. Theo Firstpost, các cuộc thử nghiệm trước đây được thực hiện trên các tàu cũ, kể cả từ bệ chìm, chứ không phải tàu ngầm thực sự.
Triều Tiên cho biết họ đã bắn hai tên lửa hành trình chiến lược từ tàu ngầm vào tháng 3/2023; nhưng các nhà phân tích cho biết có vẻ như chúng được phóng từ trên mực nước biển, do đó mất đi ưu thế tàng hình của loại vũ khí này.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào năm ngoái tuyên bố rằng, Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân "không thể đảo ngược". Ảnh: KCNA
Tên lửa siêu thanh
Tên lửa siêu thanh di chuyển với tốc độ ít nhất Mach 5 - gấp 5 lần tốc độ âm thanh - và có thể cơ động trong khi bay, khiến chúng khó theo dõi và đánh chặn hơn.
Tùy thuộc vào thiết kế, các nhà phân tích cho rằng những tên lửa này có thể mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.
Sau ba cuộc thử nghiệm – một vào tháng 9/2021 và hai lần vào năm 2022 – Triều Tiên cho biết họ đã hoàn tất quá trình xác minh cuối cùng về tên lửa siêu thanh đầu tiên của mình.
Đầu đạn hạt nhân
Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 và thực hiện vụ thử thứ sáu, mạnh nhất vào tháng 9/2017.
Ước tính sức mạnh hoặc năng lượng nổ của đầu đạn đó dao động từ 100 đến 370 kiloton, vượt xa con số 15 kiloton của quả bom Mỹ tàn phá Hiroshima năm 1945.
Một báo cáo được Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ công bố năm nay đã trích dẫn các ước tính bên ngoài về việc Triều Tiên sở hữu đủ nguyên liệu cho "20 đến 60 đầu đạn".
Triều Tiên cũng đang theo đuổi việc phát triển các đầu đạn nhỏ hơn để phù hợp với nhiều hệ thống phóng tên lửa khác nhau.
Vào tháng 3 năm nay, ông Kim Jong Un đã kêu gọi mở rộng sản xuất "vật liệu hạt nhân cấp độ vũ khí" khi Triều Tiên công bố thứ dường như là một đầu đạn hạt nhân chiến thuật mới nhỏ hơn.