Triều Tiên phóng thử tên lửa nhằm che giấu hiểm họa khủng khiếp mới?

Anh Tuấn |

Theo tạp chí Nikkei Asian Review, cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên, được Mỹ và Hàn Quốc xác định đã diễn ra không thành công, thực chất là nhằm che giấu sự hiện diện của một loại vũ khí còn đáng sợ hơn nhiều so với tên lửa.

Vào sáng ngày 29/4, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo trong lúc Bình Nhưỡng và Washington đã có những phát ngôn công kích qua lại và đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng. Bởi tên lửa này phát nổ khi đang bay, nhiều chuyên gia tin rằng cuộc thử nghiệm này đã thất bại.

Tạp chí Nikkei Asian Review khẳng định, đây thực chất là một lời cảnh báo ngầm rằng Triều Tiên có thể tiến hành một cuộc tấn công xung điện từ (EMP) nếu phát hiện có động thái khả nghi. Nguyên lý của một cuộc tấn công xung điện từ được dựa trên phát hiện của Mỹ và Liên Xô từ thời Chiến tranh Lạnh, rằng một vụ nổ hạt nhân sẽ tạo ra một xung điện từ mạnh.

Để tăng sức công phá của xung điện từ này, bom hạt nhân phải kích nổ ở vùng không khí loãng trên khí quyển. Xung điện từ sẽ tạo ra một luồng điện có công suất cực lớn, tác động đến các hệ thống ăng ten và cáp điện dưới mặt đất tại khu vực bom phát nổ, khiến toàn bộ mạng điện xung quanh bị đoản mạch và hoàn toàn bị vô hiệu hóa.

Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa Triều Tiên phóng thử nghiệm ngày 29/4 đã phát nổ ở tầng điện ly của khí quyển trái đất. Mặc dù các khí tài quân sự của Mỹ được bảo vệ trước ảnh hưởng của xung điện từ, song mạng lưới điện và các hệ thống điện tử dân sự thì không được bảo vệ kỹ càng như vậy.

Một cuộc tấn công xung điện từ sẽ gây ra tổn hại rất lớn đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, miền Bắc Trung Quốc và vùng Viễn Đông Nga. Mạng lưới điện và hệ thống máy tính sẽ ngừng hoạt động, và việc không có điện trong thời gian dài cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống cung cấp nước và khí đốt, cũng như các thiết bị liên lạc và truyền tín hiệu.

Thật vậy, một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân tầm cao ngoài khơi Thái Bình Dương của Mỹ vào năm 1962 đã gây ra một xung điện từ mạnh đến mức toàn bộ quần đảo Hawaii bị mất điện.

Các hoạt động quân sự của Triều Tiên trước nay được xem như những thông điệp ngầm gửi tới Mỹ. Khi nước này phóng 7 quả tên lửa đạn đạo xuống Biển Nhật Bản và năm 2006, Bình Nhưỡng muốn nói rằng họ có thể tiêu diệt một tàu sân bay cùng các tàu chiến Mỹ nếu chúng đến gần đất nước.

Vào tháng 3 năm nay, Triều Tiên cũng đã cho phóng thử 4 quả tên lửa đạn đạo. Đây được coi là động thái ám chỉ rằng họ sẽ tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực nếu phát hiện những hành động được cho là “gây hấn” từ phía Washington.

Tạp chí Nikkei Asian Review tin rằng, sự hiện diện của hạm đội gồm tàu sân bay của Mỹ ngoài Biển Nhật Bản đang khiến lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lo ngại và đây có thể là lý do Bình Nhưỡng phóng tên lửa cảnh báo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại