Trước đó, Seoul - Washington từng bất đồng về phương thức đối phó với Bình Nhưỡng.
Sau một năm liên tiếp có hành động và tuyên bố mang tính khiêu khích đồng thời làm gia tăng nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân ở khu vực Đông Bắc Á, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã mở đầu năm 2018 bằng một tuyên bố mang tính lạc quan đó là đề nghị đối thoại với Hàn Quốc.
Theo Japan Times, lời kêu gọi tiến hành đối thoại với Hàn Quốc của ông Kim sẽ giúp kỳ Thế vận hội mùa Đông vào tháng Hai tới diễn ra thành công tốt đẹp cũng như giúp cải thiện mối quan hệ liên Triều. Ngoài ra, đây cũng là bước chuyển biến lớn trong chiến thuật của chính quyền Bình Nhưỡng sau nhiều lần từ chối tiến hành đối thoại với Seoul.
Ngay lập tức, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã lên tiếng hoan nghênh động thái của phía Triều Tiên và khẳng định sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế để theo đuổi đối thoại.
“Việc cải thiện quan hệ Hàn – Triều không chỉ đơn thuần là giải quyết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng mà Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cần phối hợp chặt chẽ với các quốc gia đồng minh và cộng đồng quốc tế để cùng làm việc này”, ông Moon phát biểu trong buổi họp nội các.
Tuyên bố của ông Moon hoàn toàn trái với yêu cầu của ông Kim khi cho rằng, Seoul cần dừng lại việc đề nghị nước ngoài giúp đỡ để cải thiện quan hệ Hàn – Triều.
“Chính quyền của Tổng thống Moon đang xem tình hình hiện nay đầy triển vọng. Giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu và còn đứng trên cả việc cải thiện quan hệ hai nước”, ông Jeong Yeung-tae, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul chia sẻ.
Bài phát biểu nhân dịp Năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un được xem là động thái có triển vọng nhất nhằm gây dựng nền hòa bình ở bán đảo Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Tuy nhiên, lời đề nghị đối thoại của Triều Tiên cũng là phép thử đối với mối quan hệ đồng minh Mỹ – Hàn vốn rơi vào căng thẳng hồi cuối năm ngoái sau những tranh luận về cách thức tốt nhất để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng.
“Đây là thông điệp mang tính tích cực. Ông Kim giờ tập trung nhiều vào việc cải thiện quan hệ Hàn – Triều. Song đây cũng là lúc làm gia tăng nguy cơ quan hệ đồng minh Mỹ – Hàn bị thay đổi”, ông Duyeon Kim, nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn Tương lai bán đảo Triều Tiên tại Seoul nói.
Trước đó, khi ông Moon cho biết Hàn Quốc sẽ đối thoại vô điều kiện với Triều Tiên thì Mỹ vẫn cương quyết sẽ không nói chuyện với Bình Nhưỡng chừng nào Triều Tiên chưa từ bỏ ý định phát triển vũ khí hạt nhân. Đây là lý do trong bài phát biểu hôm 1/1, ông Kim khẳng định năng lực phòng thủ hạt nhân của Triều Tiên là điều "không cần bàn cãi" và toàn bộ lãnh thổ Mỹ hiện đang nằm trong tầm ngắm của vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Ngoài ra, ông Kim còn nhấn mạnh Triều Tiên sẽ trang bị thêm nhiều loại vũ khí hạt nhân trong thời gian tới.
“Đây là sự thật chứ không phải chỉ là lời đe dọa, nút ấn hạt nhân vẫn luôn nằm trên bàn làm việc của tôi. Mỹ không thể phát động một cuộc chiến tranh để chống lại tôi cũng như nhân dân Triều Tiên”, ông Kim khẳng định sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu như Triều Tiên bị đe dọa.
“Khả năng Triều Tiên lo ngại nếu tiến hành thêm các vụ thử tên lửa, Mỹ sẽ có hành động quân sự. Do đó, bằng cách chung sống hòa bình với Mỹ, ông Kim đang nỗ lực làm thay đổi toàn cục tình hình”, ông Koh Yu-hwan, người đứng đầu nhóm cố vấn cho Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc nhận định.
Thế vận hội mùa Đông 2018 mà Hàn Quốc làm chủ nhà diễn ra ở Pyeongchang, khu vực nằm cách biên giới Triều Tiên chỉ 80 km, được xem là sự kiện có thể giúp cải thiện quan hệ Hàn – Triều. Tổng thống Moon đã nhiều lần đề nghị Triều Tiên cử vận động viên sang tham dự Thế vận hội.
Theo tờ Dong-A Ilbo, vào cuối tháng 12, các thành viên trong đảng cầm quyền của Tổng thống Moon đã bí mật gặp gỡ giới chức Triều Tiên tại Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội hòa giải với Bình Nhưỡng và đưa các vận động viên Triều Tiên sang dự Thế vận hội Pyeongchang.
Trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã mời gọi đối thoại thì phương án cuối cùng giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được quyết định. Điều đáng nói là Mỹ vẫn không chấp nhận việc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân đồng thời nhấn mạnh tấn công quân sự có thể là phương án tốt nhất để ngăn chặn mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Trong năm 2017, hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều đã nhiều lần khẩu chiến đồng thời đe dọa tấn công quân sự lẫn nhau. Tuy nhiên, ông Trump từng đề cập tới ý tưởng thiết lập quan hệ bạn bè với ông Kim cũng như Mỹ – Triều sẽ đưa ra “một thỏa thuận “về chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.