Nhưng đó có thể không phải là chiến thắng mà ông Trump đã tuyên bố. Trước và sau khi ông Trump nhậm chức, Triều Tiên tiến hành một loạt các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Triều Tiên từng thực hiện vụ thử hạt nhân gần đây nhất vào tháng 9-2017 và vụ phóng tên lửa diễn ra một tháng sau đó. Tổng thống Trump nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9: "Triều Tiên không còn phóng tên lửa và các vụ thử nghiệm hạt nhân đã dừng lại".
Tổng thống Trump chỉ ra điều này để chứng minh cho chiến lược giảm thiểu mối đe dọa từ chính quyền Bình Nhưỡng của ông đang diễn ra hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng dù các hoạt động thử nghiệm vũ khí có thể đã ngưng nhưng những quá trình khác của chương trình vũ khí của Triều Tiên vẫn tiếp tục diễn ra nhanh chóng. Họ cho rằng các vụ thử chỉ là một phần của vấn đề.
"Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn không thay đổi chính sách của mình... khi tuyên bố rằng giờ đây Triều Tiên đã chuyển từ nghiên cứu và phát triển sang sản xuất hàng loạt" - bà Cristina Varriale, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (Anh), cho hay.
Theo các chuyên gia và phân tích hình ảnh vệ tinh chi tiết, Triều Tiên tiếp tục sản xuất vật liệu phân hạch và phát triển các căn cứ tên lửa trên khắp đất nước.
Việc chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang sản xuất không có gì đáng ngạc nhiên khi đó là những gì ông Kim từng nói trong bài phát biểu đầu năm 2018. Với tốc độ sản xuất hiện nay, Triều Tiên có thể sở hữu khoảng 100 đầu đạn vào năm 2020 - gần bằng ½ số đầu đạn của Anh, theo ông Robert S. Litwak, phó chủ tịch của Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson (Mỹ).
Trong những tuần gần đây, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ-Triều Tiên bị đình trệ đã đe dọa tình hình tồi tệ hơn nữa. Hồi đầu tháng này, Mỹ áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với Triều Tiên. Đáp lại, Bình Nhưỡng cảnh báo quay trở lại tình trạng "khẩu chiến nảy lửa" hồi năm ngoái.
Nhiều chuyên gia và quan chức tình báo cho rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân, đặc biệt là những vũ khí có thể tấn công Mỹ bởi vì chính quyền ông Kim tin rằng chúng là chính sách đảm bảo tốt nhất chống lại sự xâm lược. Điều này đã khiến nhiều nhà quan sát thúc giục Mỹ theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn khiêm tốn hơn với ý định răn đe và kiềm chế khả năng hạt nhân của Triều Tiên.