Theo Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) hôm 6-9, ngoài 76 người thiệt mạng còn có 75 người khác mất tích, bao gồm cả trẻ em.
Trong khi đó, hàng ngàn người mất nhà cửa, đang cần trợ giúp y tế, nơi trú ẩn, thực phẩm và nước uống. Thành viên Hội Chữ thập đỏ chi nhánh tại Triều Tiên, John Fleming, cảnh báo lũ lụt sẽ làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và an ninh lương thực cho một số khu vực.
Các tình nguyện viên từ Hội Chữ thập đỏ đang tìm kiếm những người sống sót ở các tỉnh Bắc và Nam Hwanghae sau khi hơn 800 tòa nhà, phòng khám và trường học bị sập do lũ lụt và sạt lở đất.
Đồng thời, IFRC triển khai các máy xử lý nước di động và cung cấp hàng viện trợ cho người dân nằm trong khu vực bị lụ lụt tàn phá.
Vào năm 2016, hơn 130 người cũng thiệt mạng sau trận lũ ở tỉnh Bắc Hamgyong. Nhiều tòa nhà bị sập và hàng trăm ngàn người dân cần trợ giúp về nhu yếu phẩm và chỗ ở.
Lãnh thổ Triều Tiên bao gồm chủ yếu là đồi núi, bị khai thác để lấy nhiên liệu hoặc biến thành ruộng bậc thang. Vì vậy, khi có mưa lớn, nước sẽ chảy xuống các sườn dốc gây lũ lụt nặng.
Lũ lụt và hạn hán là hai trong những yếu tố dẫn đến nạn đói giết chết hàng trăm ngàn người ở Triều Tiên giai đoạn 1994 – 1998, trong khi hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai của nước này không đầy đủ.
Người dân Triều Tiên tránh lũ ở làng Anju hồi năm 2012. Ảnh: Reuters
Cách đây 1 tháng, IFRC cho biết một làn sóng nhiệt ở Triều Tiên đã khiến lúa, ngô và các cây trồng khác héo khô, kéo theo nguy cơ xảy ra một cuộc "khủng hoảng an ninh lương thực toàn diện". Các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán là hai tỉnh Nam Hamgyong và Nam Pyongan.
Người phát ngôn IFRC Laura Ngo-Fontaine lo ngại các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra thường xuyên hơn và Triều Tiên không tránh khỏi bị ảnh hưởng.