Triều Tiên lên án Mỹ cố phá hai miền

Bình Giang |

Triều Tiên hôm qua cáo buộc Mỹ kích động đối đầu trên bán đảo Triều Tiên bằng việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Bình Nhưỡng. Một kế hoạch ngăn chặn Triều Tiên trên biển với mức độ chưa từng có đang được Washington xúc tiến triển khai.

Thế vận hội Mùa đông năm nay tạo cơ hội để hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau sau hơn 1 năm căng thẳng dâng cao đáng ngại vì Bình Nhưỡng phóng hàng loạt tên lửa và thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ). Nhưng những ngày cuối cùng của Olympic này bị phủ bóng bởi tuyên bố của Mỹ đưa ra cuối tuần qua rằng sẽ thực hiện gói trừng phạt lớn nhất từ trước đến nay nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

“Nhờ có tình yêu cao quý của lãnh đạo tối cao đối với đất nước và quyết tâm mạnh mẽ vì hòa bình, những cuộc đối thoại và hợp tác liên Triều được chờ đợi từ lâu đã trở thành hiện thực và Olympic diễn ra thành công nhờ sự hợp tác hai miền”, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này. “Trước thềm bế mạc Olympic, Mỹ điên cuồng tạo thêm một đám mây đen của đối đầu và chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên bằng cách thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên”, KCNA viết ngày 25/2.

Trước đó, khoảng 100 nghị sĩ bảo thủ và các nhà hoạt động Hàn Quốc tiến hành cuộc biểu tình ngồi ở khu vực gần biên giới với Triều Tiên để ngăn đoàn Triều Tiên do ông Kim Yong-chol (người bị phía Hàn Quốc cáo buộc đứng sau vụ đánh đắm một tàu chiến của Hàn Quốc năm 2010 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng) sang Hàn Quốc dự lễ bế mạc Olympic diễn ra tối 25/2. Đoàn Triều Tiên phải chuyển hướng đi qua một tuyến đường khác, khiến đảng Tự do Hàn Quốc cáo buộc chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in “lạm dụng quyền lực và làm phản” khi đưa đoàn Triều Tiên tránh nhóm biểu tình. Tổng thống Moon đã gặp ông Kim tại Pyeongchang trước lễ bế mạc, CNN dẫn thông báo của chính phủ Hàn Quốc.

Khi thông báo các biện pháp trừng phạt mới cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo “giai đoạn hai sẽ cực kỳ, cực kỳ khó chịu với thế giới” nếu những biện pháp trừng phạt lần này không hiệu quả. Không chỉ Triều Tiên, Trung Quốc cũng phản ứng giận dữ với bước đi mới của Mỹ, nói rằng việc đơn phương tấn công vào quyền lợi của các công ty và người dân Trung Quốc sẽ có nguy cơ làm hại quá trình hợp tác về vấn đề Triều Tiên.

Truy quét trên biển cả

Trước đó, một số quan chức Mỹ cho biết, chính quyền của ông Trump và các đồng minh chủ chốt ở châu Á đang chuẩn bị tăng cường ngăn chặn những con tàu bị nghi vi phạm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Kế hoạch này có thể sử dụng lực lượng tuần tra bờ biển Mỹ để chặn và kiểm tra các tàu trên khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Washington đã bàn với các đối tác khu vực, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Singapore về việc hợp tác tăng cường truy quét nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng sử dụng thương mại trên biển để nuôi sống chương trình tên lửa, hạt nhân của nước này, Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ. Với các tàu bị tình nghi từng bị chặn trước đó, chiến lược mới của Mỹ sẽ mở rộng hoạt động kiểm tra và ngăn chặn nhưng sẽ không phong tỏa trên biển đối với Triều Tiên. Bình Nhưỡng cảnh báo, kiểu phong tỏa như vậy sẽ là hành vi khiêu chiến.

Chiến lược mới của Mỹ sẽ gia tăng theo dõi và có thể tịch thu những tàu bị nghi chở bộ phận vũ khí và những hàng cấm khác đến và ra khỏi Triều Tiên. Tùy thuộc quy mô chiến dịch, Mỹ có thể cân nhắc sử dụng sức mạnh trên biển và trên không của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Sáng kiến do Mỹ khởi xướng thể hiện tính cấp bách ngày càng lớn của Washington trong việc buộc Triều Tiên phải thương lượng chuyện từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, các quan chức Mỹ cho biết. Triều Tiên được đánh giá là chỉ còn vài tháng nữa sẽ hoàn thiện công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa có khả năng tấn công Mỹ. Nước này bị nghi vẫn tiếp tục buôn bán và trao đổi hàng cấm từ tàu này sang tàu khác trên biển, bất chấp các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Kế hoạch mới của Mỹ sẽ nhằm vào các tàu trên vùng biển cả hoặc vùng biển thuộc quyền chủ quyền của các nước hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chiến dịch này sẽ được mở rộng ra khỏi châu Á đến mức độ nào. Washington dự kiến sẽ sớm triển khai kế hoạch ngay cả khi quá trình bàn bạc với các đồng minh chưa kết thúc, một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ. Nhà Trắng chưa có bình luận chính thức nào về những thông tin này.

Một nghị sĩ của đảng cầm quyền Nhật Bản cho biết, việc bàn bạc của Nhật Bản với Mỹ về kế hoạch này tập trung vào sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giám sát và chia sẻ thông tin giữa Washington, Tokyo và Seoul về hoạt động chuyển hàng giữa các tàu bị nghi vi phạm lệnh cấm, cũng như sự cần thiết phải thông báo cho chính quyền về cảng xuất phát của những tàu đó. Nghị sĩ này và một quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng, theo các biện pháp trừng phạt của LHQ hiện nay, cần có sự đồng ý của quốc gia có cờ treo trên tàu và thuyền trưởng tàu mới được thực hiện kiểm tra trên vùng biển cả. “Tôi nghĩ khó có khả năng LHQ sẽ tăng cường trừng phạt đến mức cho phép kiểm tra tàu trên biển cả nếu không có sự đồng ý. Từ quan điểm của một quốc gia bị tình nghi, đó sẽ là hành động khiêu chiến”, quan chức quốc phòng Nhật Bản nói.

Chính quyền của ông Trump cũng đang tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn từ các nước Đông Nam Á. Những nước này chỉ có thể hỗ trợ hạn chế về quân sự nhưng được coi là những nguồn tin quan trọng về sự di chuyển của các tàu, các quan chức Mỹ cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại