Trong đoạn video, hai anh em ruột lớn lên ở Triều Tiên, tự nhận mình là con trai của một người đã bỏ trốn khỏi nước Mỹ. Nói tiếng Triều Tiên trôi chảy, James và Ted Dresnok đã lên tiếng cáo buộc “chủ nghĩa đế quốc” của Mỹ là nguồn cơn cho những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời hai người này cũng kêu gọi Washington rút các lực lượng khỏi Hàn Quốc.
Ted Dresnok phát biểu: “Mỹ cần phải dừng ngay chính sách chống Triều Tiên. Hoa Kỳ cần phải thức tỉnh, ký kết một hiệp định hòa bình với chúng tôi và rời khỏi Hàn Quốc. Đó là cách duy nhất để cứu chính họ”.
Hai người đàn ông, khoảng 30 tuổi, cho biết họ đã lập gia đình và đã có con, cả hai sử dụng họ Triều Tiên là Hong. Trong đoạn video, hai anh em họ Hong đều đeo những chiếc huy hiệu của Triều Tiên và James Dresnok còn mặc một bộ quân phục.
James cho biết anh là đại úy của quân đội Triều Tiên và mục đích anh gia nhập quân đội là để bảo vệ Bình Nhưỡng khỏi mối đe dọa từ Mỹ.
“Tôi đã quan sát tình hình hiện tại do chính sách chống Triều Tiên của Mỹ gây ra. Tôi quyết định mình phải nhập ngũ để bảo vệ đất nước này”, James nói.
Hai người đàn ông này cho biết cha của họ là James Joseph Dresnok, một quân nhân Mỹ mà theo Lầu Năm Góc, đã bỏ trốn sang Triều Tiên từ năm 1962. Ông Dresnok đã vượt qua khu vực phi quân sự được canh giữ cẩn mật giữa miền Nam và miền Bắc và sống ở Bình Nhưỡng từ đó cho đến nay.
Hiện không rõ ông Dresnok còn sống hay không nhưng nếu còn thì ông khoảng hơn 70 tuổi. Ông từng xuất hiện trong bộ phim tài liệu năm 2006 “Vượt qua ranh giới”, trong đó ông đưa ra những lời biện minh cho việc đào tẩu của mình và lên tiếng bảo vệ chế độ Triều Tiên.
Ông cũng xuất hiện trong các bộ phim của Triều Tiên, đóng vai người Mỹ xấu xa.
Theo giáo sư Balbina Hwang, Đại học Georgetown, những lính Mỹ đào tẩu được coi là công cụ tuyên truyền giá trị của chế độ Triều Tiên. “Đoạn video này cho thấy bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên hoạt động như thế nào. Họ đã lợi dụng hai “nạn nhân” này như một cái máy phát ngôn của chế độ. Đó quả là một bi kịch”, ông nói.
Đoạn video dài khoảng 1 tiếng đồng hồ được đăng tải trên trang web Minjok Tongshin, có trụ sở ở Mỹ. Hiện chưa rõ video này được quay từ khi nào hay liệu những người đàn ông xuất hiện trong đó có bị ép buộc hay không.