Triều Tiên đặt điều kiện đàm phán, Mỹ “hạ giọng”

Phạm Hà |

Thay vì những lời tuyên chiến hay cảnh báo, Triều Tiên và Mỹ bắt đầu đề cập nhiều hơn đến đối thoại và giải pháp ngoại giao.

Triều Tiên hôm qua (19/5) tuyên bố, Mỹ cần rút lại các chính sách thù địch đối với Triều Tiên trước khi các cuộc đối thoại có thể diễn ra. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng tìm cách giảm bớt căng thẳng với Triều Tiên khi khẳng định Mỹ đang tích cực hợp tác với cộng đồng quốc tế để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với Triều Tiên.

Theo Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In Ryong, rút lại các chính sách thù địch hướng đến Triều Tiên là điều kiện tiên quyết để giải quyết tất cả các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Vấn đề khẩn cấp hiện nay là chấm dứt hoàn toàn các chính sách thù địch của Mỹ – nguồn cơn của mọi vấn đề. Ông Kim In Ryong cũng nhấn mạnh, Mỹ cần phải thực hiện bằng hành động cụ thể chứ không đơn thuần chỉ là những lời nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cùng ngày cho rằng, bất kỳ giải pháp quân sự nào đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng sẽ dẫn đến một thảm họa nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh Mỹ đang làm việc với cộng đồng quốc tế để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.

“Chúng tôi hiểu Triều Tiên đang đưa ra các hành động khiêu khích và các nước đều đang rất thận trọng. Cộng đồng quốc tế đang gia tăng sức ép lên Triều Tiên và sẽ tiếp tục thực hiện điều này. Tuy nhiên, một giải pháp quân sự sẽ là thảm kịch. Hiện Mỹ đang phối hợp với Liên Hợp Quốc và các đối tác để tìm ra giải pháp cho vấn đề này”, ông Mattis nói.

Tại cuộc gặp với Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng khẳng định, Mỹ không có ý định thay đổi chế độ, không xâm chiếm và không thay đổi hệ thống xã hội trong nỗ lực gia tăng sức ép buộc Triều Tiên phải từ bỏ các vụ thử hạt nhân của mình, đồng thời tạo ra môi trường thích hợp cho các cuộc đối thoại.

Sau những tuyên bố cứng rắn của các quan chức hàng đầu Mỹ trong những tuần gần đây và triển khai một nhóm tàu sân bay đến khu vực bán đảo Triều Tiên, việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định sẽ theo đuổi giải pháp ngoại giao được cho là có sự nới lỏng lập trường đáng kể với Triều Tiên.

Thay vì những lời tuyên chiến hay cảnh báo, Triều Tiên và Mỹ bắt đầu đề cập nhiều hơn đến các cuộc đối thoại và giải pháp ngoại giao trong các tuyên bố gần đây, cho thấy những dấu hiệu tích cực cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Bình luận về các tín hiệu mà Mỹ và Triều Tiên đưa ra gần đây, Trung Quốc hôm qua cho rằng, Mỹ và Triều Tiên cần phải đưa ra các quyết định chính trị và những bước đi đầu tiên hướng đến đối thoại, nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sớm nhất có thể.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh: "Chúng tôi nhận thấy Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đưa ra các dấu hiệu sẵn sàng giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn . Đây là những dấu hiệu tích cực của tất cả các bên liên quan. Mỹ và Triều Tiên cũng nên đưa ra các quyết định chính trị sớm nhất có thể, thể hiện sự chân thành và những nỗ lực tích cực nối lại đối thoại".

Việc ông Moon Jae-in – người có quan điểm được đánh giá là "mềm mỏng " hơn với Triều Tiên, lên nắm quyền tại Hàn Quốc cũng được cho là một tín hiệu tích cực đối với bán đảo Triều Tiên. Ngay khi sau khi lên nắm quyền, Tân tổng thống Hàn Quốc đã có những bước đi hạ nhiệt căng thẳng.

Trong tuần này, các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc đã lần lượt tới Trung Quốc và Mỹ để giải thích lập trường, chính sách của chính quyền mới về những vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng cam kết sẽ hợp tác với Liên Hợp Quốc nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên thông qua các phương tiện sẵn có, kể cả các biện pháp trừng phạt và đối thoại./.




Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại