Hãng AFP hôm 25-7 (giờ Mỹ) dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện khẳng định “Triều Tiên đang tiếp tục sản xuất vật liệu phân hạch”.
Điều này một lần nữa chính thức khẳng định vấn đề phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có những chuyển biến lạc quan kể từ sau thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên diễn ra tại Singapore vào tháng 6 vừa qua. Rõ ràng, Triều Tiên không chỉ muốn những chuyến thăm ngoại giao mang tính “biểu tượng” hơn là đi vào “nhu cầu chính” của Bình Nhưỡng.
Kiên nhẫn với Triều Tiên là chưa đủ
Sau thượng đỉnh Trump-Kim, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức viết trên Twitter cá nhân rằng “không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”.
Thông báo này sau đó gặp phải rất nhiều chỉ trích khi cho đến nay, phía Triều Tiên vẫn chưa có những động thái rõ rệt trong việc phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không bị đảo ngược”. Thậm chí trong chuyến thăm lần thứ ba hôm 5-7 đến Bình Nhưỡng, ông Pompeo đã “thất bại ê chề” khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ từ chối gặp mặt trong khi các thỏa thuận cơ bản xung quanh việc bày tỏ thiện chí hai bên đều không đạt được.
Lý giải phát ngôn của ông Trump trước đây, ngoại trưởng Mỹ nói tổng thống chỉ muốn nói là “căng thẳng đã giảm đi đáng kể”. Ông Pompeo tái khẳng định mối đe dọa từ Triều Tiên vẫn tồn tại. Tuy nhiên, ngoại trưởng Mỹ nhận định tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên không phải không có tiến triển. Bằng chứng là những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng dường như đã bắt đầu tháo dỡ một bãi thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Ông cũng kêu gọi Triều Tiên đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa theo đúng cam kết. “Chúng tôi đang theo đuổi chính sách ngoại giao kiên nhẫn nhưng chúng tôi sẽ không để chuyện này kéo dài mà không có kết quả. Tôi đã nhấn mạnh quan điểm này trong các cuộc thảo luận với Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol” - ông Pompeo cho biết.
Tướng Mỹ William K. Harrison (trái) ký hiệp định đình chiến với tướng Triều Tiên Nam Il tại Panmunjom . Ảnh: USAF
Tìm kiếm hiệp định hòa bình
Cách đây đúng 65 năm, tại phòng đàm phán ở làng Panmunjom nằm giữa biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc, hiệp định đình chiến ra đời, chấm dứt gần ba năm giao tranh đẫm máu của chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Reuters nhận định cuộc chiến 1950-1953 chấm dứt nhờ vào thỏa thuận đình chiến chứ không phải là một hiệp định hòa bình. Điều này về cơ bản có thể hiểu, cuộc chiến chỉ “tạm dừng” hơn là một nền hòa bình thật sự đã được lập lại.
Nhận định này có vẻ phù hợp với quan điểm của Triều Tiên. Trong một cuộc gặp mặt vào tháng 4 vừa qua, lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã đồng ý rằng trong năm nay, cùng với Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh Triều Tiên - sẽ thay thế thỏa thuận đình chiến bằng một hiệp định hòa bình cho khu vực.
Vào tháng 6, lãnh đạo Mỹ-Triều tuyên bố đang tìm giải pháp thiết lập mối quan hệ mới phù hợp với mong muốn của hai nước vì hòa bình và thịnh vượng. Đổi lại, ông Kim cam kết từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân.
CNN hôm 23-7 dẫn lời một quan chức rất hiểu biết về quan điểm của Triều Tiên cho rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề hạt nhân sẽ phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Washington trong việc tiến hành “một động thái táo bạo” và thiết lập nên một hiệp ước hòa bình.
Khúc mắc hiện nay trong tiến trình phi hạt nhân hóa chính là Triều Tiên lo bỏ hạt nhân thì an ninh bị nguy hiểm, trong khi Mỹ lo ngại nếu bình thường hóa với Bình Nhưỡng thì nước này sẽ “thất hứa”, không từ bỏ hạt nhân.
Rõ ràng hiệp định đình chiến 1953 không còn đủ sức thuyết phục Mỹ-Triều cùng hành động. Một hiệp định hòa bình sẽ là một bước đi quan trọng để phần nào thể hiện thiện chí của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, đồng thời khỏa lấp niềm tin Triều Tiên.
Nhìn chung một bên muốn phi hạt nhân hóa trước, bình thường hóa quan hệ sau và bên còn lại muốn bình thường hóa quan hệ trước, phi hạt nhân hóa sau.
CHRISTOPHER GREEN, cố vấn cấp cao của nhóm chuyên nghiên cứu khủng hoảng quốc tế