Người dân Hàn Quốc đi qua màn hình chiếu tin tức về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên tại một ga tàu ở Seoul. (Ảnh: EPA-EFE)
Trước đó, Bình Nhưỡng khẳng định đã phóng tên lửa siêu thanh vào các ngày 5 và 11/1, sau đó là một tên lửa đạn đạo vào ngày 14/1, theo KCNA.Triều Tiên đã phóng các tên lửa dẫn đường chiến thuật vào ngày 17/1, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết.
Việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa cho thấy nhiều tiến bộ trong chương trình tên lửa của nước này, dù không cần dùng hệ thống GPS của Mỹ.
“Không quốc gia nào đối đầu với Mỹ (như Triều Tiên) lại dùng GPS vì họ lo ngại khả năng bị quân đội Mỹ can thiệp”, Andrei Chang, tổng biên tập Tạp chí quốc phòng Kanwa ở Canada, nói.
Thay vào đó, họ sẽ dùng hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc hoặc hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Glonass của Nga, theo ông Chang.
Nhưng theo nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc ở Bắc Kinh, hệ thống Bắc Đẩu không hỗ trợ các nước khác phóng tên lửa.
Nguồn tin giấu tên nói rằng Triều Tiên đã dùng hệ thống của Nga, dù Glonass không bao phủ rộng như GPS.
“Các chuyên gia ở Bình Nhưỡng đánh giá hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc và cả hệ thống của Nga, rồi họ thấy rằng Glonass phù hợp hơn với vị trí địa lý và độ cao khi họ phóng tên lửa”, nguồn tin nói.
“Hơn nữa, một bí mật mà ai cũng biết là Triều Tiên được thừa hưởng di sản của Liên Xô với việc chuyển giao công nghệ tên lửa tầm trung cho Bình Nhưỡng sau khi ký Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung với Mỹ”, nguồn tin nói thêm.
Các cơ quan tình báo Mỹ và châu Âu vẫn tin rằng Triều Tiên đã đưa các thiết kế và công nghệ của Liên Xô từ những năm 1960 vào tên lửa của mình, theo báo Washington Post.
Trong khi đó, hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc đang được Iran và Pakistan sử dụng cho các ứng dụng quân sự, nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ.
“Các chuyên gia Iran đã kết hợp 12 tín hiệu dân sự của Bắc Đẩu và tính toán của riêng họ để tiến gần hơn tới phiên bản quân sự (mà quân đội Trung Quốc sử dụng) để đạt được độ chính xác”, nguồn tin nói.
Ông Song Zhongping, cựu giảng viên quân sự của quân đội Trung Quốc, nói với báo SCMP rằng quân đội Pakistan có thể dùng phiên bản giới hạn của Bắc Đẩu.
“Dù Trung Quốc có thể chia sẻ một số mã tín hiệu quân sự Bắc Đẩu với Pakistan trong khuôn khổ đối tác chiến lược, nhưng chỉ ở cấp độ khu vực chứ không phải toàn cầu”, ông Song nói.