Mất 100 năm để "dọn sạch" bom mìn?
Trong suốt 10 năm, Thiếu tá Jong Il hyon đã miệt mài đào những quả bom còn sót lại từ chiến tranh Triều Tiên. Ông đã mất 6 cộng sự trong các vụ nổ. Ông Jong giữ lại bên mình chiếc bật lửa mà một người cộng sự tặng ông trước khi qua đời. Bên má trái của ông vẫn còn một vết sẹo lớn vì một sự cố trong quá trình phá bom.
Thiếu tá Jong Il hyon. Ảnh AP
Dù đã kết thúc 64 năm nhưng cuộc chiến vẫn để lại hàng nghìn quả bom, đạn cối và đạn dược có khả năng gây nổ. Nhìn chung thì tất cả đều là của Mỹ nhưng ông Jong cho biết, có hơn 10 nước chiến đấu cùng phe Mỹ và từ đó tới nay, bom của họ cũng xuất hiện.
"Các chuyên gia cho biết phải mất 100 năm để rà phá bom mìn chưa nổ, nhưng tôi nghĩ sẽ tốn nhiều thời gian hơn", ông Jong chia sẻ với AP tại một công trường xây dựng ở ngoại ô Hamhung, Triều Tiên, nơi công nhân mới tìm thấy đạn cối hồi tháng 2 năm nay.
Tháng 10 năm ngoái, 370 quả đạn cối cũng được phát hiện trong sân của một trường tiểu học gần đó.
"Di sản" từ 64 năm trước
Triều Tiên là một trong nhiều quốc gia trên thế giới phải rà phá bom đạn sau chiến tranh. Chiến tranh Triều Tiên kéo dài 3 năm, kết thúc bằng một hiệp định đình chiến ký vào ngày 27-7-1953, là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất. Gần như toàn bộ 22 thành phố lớn ở Triều Tiên bị thiệt hại nghiêm trọng, hàng trăm người dân chết vì bom Mỹ.
Quân đội Mỹ tấn công đường ray tàu hỏa ở bờ biển phía ĐônG Triều Tiên. Ảnh: U.S. Army Military History Institute
Lượng bom dội xuống Triều Tiên bằng tổng lượng bom được quân đội Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Thế chiến II.
Triều Tiên cho hay, riêng thủ đô Bình Nhưỡng đã phải hứng chịu 400.000 quả bom, tức là tương đương 1 quả bom/người vào thời điểm ấy. Chỉ có 2 tòa nhà cao tầng hiện đại "đứng vững". Tổng cộng, Mỹ đã thả 635.000 tấn bom lên bán đảo Triều Tiên trong cuộc chiến, phần lớn ở miền Bắc, trong đó có 32.500 tấn bom napalm.
Theo Charles Amstrong, giáo sư sử học tại Đại học Columbia, hình thức đánh bom rải thảm ở Triều Tiên đánh dấu một bước ngoặt đối với Mỹ.
"Cho đến ngày nay, Chính phủ và truyền thông Triều Tiên vẫn khẳng định, bom của Mỹ là một tội ác chiến tranh và là nguyên nhân khiến Triều Tiên tiếp tục huy động lực lượng và phát triển vũ khí hạt nhân để chống lại mọi cuộc tấn công trong tương lai", ông Amstrong cho biết.
Amstrong lưu ý rằng khu vực Hamhung và cảng biển gần đó bị máy bay Mỹ dội bom cực nặng, bởi nơi đó là trung tâm công nghiệp đồng thời là một nhà máy sản xuất phân đạm lớn nhất thế giới. Phân bón có thể sử dụng để sản xuất thuốc nổ, do đó, Không quân Mỹ đã phá hủy khu vực này vào cuối tháng 12-1950.
Khi nhận được thông tin về bom, các đội rà phá sẽ phản ứng ngay. Họ kiểm tra công trường, trước khi bắt đầu công tác sơ tán và tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là học sinh, về mối nguy hiểm.
Một số loại bom không dễ nhận biết nếu không có con mắt được đào tạo chuyên môn. Jong kể ông từng gặp nhiều loại bom lạ lùng. Ông cảnh báo rằng, những quả bom quá cũ thậm chí nguy hiểm hơn vì ngòi nổ gỉ sét, và một số có thể nổ chỉ cần tác động rất nhẹ.