Triệu phú đô la bỏ Úc về Việt Nam bán khóa điện tử

Q.Nguyễn |

Du học Úc từ năm 2000, nhưng đến năm 2007, Hoàng Tuấn Anh đã trở thành triệu phú AUD nhờ làm đủ thứ nghề. Năm 2013, doanh nhân trẻ sinh năm 1985 này bỏ hết tất cả để về Việt Nam bán từng chiếc khóa điện tử và nhanh chóng dẫn đầu thị trường bán lẻ sản phẩm rất mới mẻ này.

Công ty Vũ Trụ Xanh của Hoàng Tuấn Anh – doanh nhân 8X đang đứng đầu thị trường phân phối khóa điện tử với hơn 300 đại lý bán lẻ đóng góp 30% trong tổng doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Còn sớm để nói con người này sinh ra là để làm kinh doanh, nhưng máu liều và độ nhạy bén trong kinh doanh là luôn thường trực.

Triệu phú AUD năm 25 tuổi nhờ… làm đủ thứ nghề

Thương vụ “ngon ăn” nhất của Hoàng Tuấn Anh ở Úc có lẽ là khi bán tivi “secondhand” trên trang thương mại điện tử Ebay.

Năm 2006, trong một lần tình cờ tìm mua tivi, Tuấn Anh phát hiện một nơi chuyên bán đồ điện máy “factory second”- sản phẩm bị móp méo, trầy xước nhưng vẫn được bảo hành của Samsung với giá khoảng 30 – 50% giá hàng nguyên đai nguyên kiện. Nhìn ra cơ hội kinh doanh, Tuấn Anh mua về rồi bán lại trên Ebay.

Tuấn Anh có lãi lớn ngay lô hàng đầu tiên. Kinh doanh thuận lợi đã giúp Tuấn Anh kiếm được 100.000 AUD trong ba năm. “Kiếm được vài trăm AUD không phải dễ dàng gì. Để bán được hàng, tôi thường xuyên phải tự cõng những chiếc tủ lạnh hay máy giặt lên tận lầu ba cho khách”, doanh nhân 8X nhớ lại.

Năm 2007, Tuấn Anh tốt nghiệp ngành Kĩ sư Xây dựng nhưng chưa vội về Việt Nam mà ở lại tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Một lần, Tuấn Anh tình cờ biết Chính phủ Australia sắp triển khai chương trình hỗ trợ tấm cách nhiệt miễn phí cho người dân trong 2 năm, trị giá khoảng 2 tỷ AUD, Tuấn Anh thấy hứng thú lại tìm cách “nhảy vào”.

Tuấn Anh bắt đầu đọc sách, tìm tòi tài liệu và sản phẩm và liên tục bay sang Nga, Trung Quốc… để tìm nguồn hàng. Cuối cùng, công ty của Tuấn Anh là 1 trong 5 công ty tại Australia được quyền cung cấp sản phẩm này.

Cùng thời gian này, máu kinh doanh cộng với “máu liều” khiến Tuấn Anh chấp nhận tham gia và trúng thầu dự án làm sa bàn cho quân đội Úc. Sa bàn là những mô hình giả lập những kiến trúc và vị trí địa lý thật của dự án.

Nói Tuấn Anh có “máu liều” là vì dự án này không có công ty nào ở Úc dám nhận. Nguyên do là quân đội Úc không cung cấp bản đồ. Tuấn Anh phải mày mò các hình ảnh chụp từ vệ tinh ở các website chuyên ngành xây dựng, sau đó áp dụng kiến thức ngành kĩ sư xây dựng để tính toán.

Các dự án sa bàn về khu sản xuất tàu ngầm, sân bay, xưởng chế tạo xe tăng… giúp anh kiếm được vài trăm nghìn đô Úc. Sau hơn chục năm vừa học vừa làm ở Australia, Tuấn Anh đã có trong tay hơn 1 triệu AUD khi mới 25 tuổi (tương tương gần 15 tỷ đồng, tính theo tỷ giá cuối năm 2010).

Năm 2013, Tuấn Anh quyết định bỏ hết cơ hội kinh doanh ở Úc để về Việt Nam làm ăn.

Dẫn đầu thị trường bán lẻ khóa điện tử

Ngoài lí do về Việt Nam để tiện chăm sóc cha mẹ đã lớn tuổi, Tuấn Anh còn nhìn ra được cơ hội kinh doanh ở thị trường đang phát triển như Việt Nam từ năm 2010.

Theo anh, Việt Nam có tiềm năng từ nhu cầu tiêu dùng rất lớn. “Nếu phát triển những sản phẩm mới sẽ đón đầu được cơ hội tăng trưởng khổng lồ”, anh phân tích.

Năm 2010, trước về Việt Nam hẵn, Tuấn Anh đã bắt đầu gây dựng hệ thống bán lẻ khóa điện tử ở Việt Nam. Mặc dù tốn không ít chi phí xây dựng hệ thống, nhưng theo quan điểm của doanh nhân trẻ, muốn hệ thống đảm bảo phát triển lâu dài, bắt buộc phải đầu tư bài bản. Đây là tiền đề để Tuấn Anh khởi nghiệp ngành khóa điện tử.

Sở dĩ anh chọn khóa điện tử để lập nghiệp bởi làn sóng chuyển đổi từ sản phẩm truyền thống sang sản phẩm công nghệ đang lan rất mạnh ở Việt Nam. Theo anh, nhu cầu sử dụng khóa điện tử cũng giống cuộc chuyển đổi từ tivi analog sang tivi kĩ thuật số diễn ra khoảng hơn 5 năm trước đây tại Việt Nam.

Nhìn vào tiềm năng thị trường khóa điện tử, hẳn nhà đầu tư nào cũng muốn nhảy vào. Quy mô thị trường có thể lên đến vài tỷ USD với mức giá 2 triệu đồng/khóa, mỗi nhà dùng 1-3 khóa cùng xu hướng các khách sạn thay khóa điện tử ở các phòng lưu trú.

Tuy nhiên, không chỉ mình Hoàng Tuấn Anh nhìn thấy cơ hội kinh doanh to lớn này. Nhiều hãng khóa điện tử cũng nhảy vào thị trường Việt Nam và cạnh tranh rất mạnh mẽ.

Ngoài Trung Quốc với thương hiệu Adel, một số nước châu Âu, Australia và Mỹ cũng tham gia thị trường này như Thụy Sĩ (Kaba), Đức (Kaadas), Mỹ (Yale). Trả lời về áp lực cạnh tranh, Hoàng Tuấn Anh khẳng định mình có lợi thế riêng.

Các hãng khóa nước ngoài hiện đang chào giá thấp nhất từ 5 – 10 triệu đồng/ khóa. Hoàng Tuấn Anh cho rằng, mình nhắm vào thị trường phổ thông (mỗi khóa chỉ từ 2 triệu đồng) nên sẽ nắm được thị trường lớn hơn. Hướng cạnh tranh này giúp Tuấn Anh tiếp cận đến 80% dân số Việt Nam.

Triệu phú đô la bỏ Úc về Việt Nam bán khóa điện tử - Ảnh 1.

Bên trong trung tâm bảo hành khóa điện tử

Cách đánh chiếm thị trường của anh cũng rất “khác”. Hầu hết các hãng khóa khác thông qua nhiều nhà phân phối với chiết khấu cao, thì anh lại tự xây dựng hệ thống phân phối và trung tâm bảo hành riêng. “Không ít người nói tôi khùng vì làm lợi cho nhà sản xuất.

Bởi nếu có rắc rối trong khâu hợp tác, công sức mình đổ sông đổ biển mà nhà sản xuất tự dưng có sẵn thị trường”, anh kể.

Tuy nhiên, “khóa điện tử là sản phẩm rất nhạy cảm. Nếu không bảo hành được trong vòng 1-2 giờ thì sẽ gấy rắc rối cho khách hàng, họ sẽ bỏ mình ngay”, anh giải thích.

Vì vậy, khi được phân phối độc quyền sản phẩm khóa điện tử PHGLock, dù tốn chi phí phát triển đại lý, Hoàng Anh Tuấn vẫn đầu tư, vì về sau người hưởng lợi cũng chỉ một mình anh.

Bên cạnh hệ thống bán lẻ, anh còn thành lập các trạm bảo hành nhanh chóng khắp TP. Hồ Chí Minh. Riêng thị trường bán lẻ, Công ty Vũ Trụ Xanh của Hoàng Tuấn Anh đang đứng đầu thị trường với hơn 300 đại lý.

Doanh thu trong giai đoạn 2013-2016 chủ yếu đến từ kênh bán lẻ. Nhưng từ đó đến nay, kênh dự án lại chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu, với tỉ lệ 70-30 so với kênh bán lẻ. Dù vậy, việc đầu tư vào hệ thống bán lẻ đã giúp doanh số hàng năm của công ty tăng gấp đôi. Trước đó, giai đoạn 2010-2015, doanh thu công ty chỉ tăng trưởng khoảng 20%/năm.

Hiện tại, doanh thu của công ty khoảng 100 tỷ đồng/năm với khoảng 50.000 sản phẩm được bán ra có giá từ 2 đến 40 triệu đồng/khóa.

Năm 2017, doanh thu của công ty ckỳ vọng sẽ vượt con số 100 tỷ đồng. Đa số các dự án lớn ở TP. Hồ Chí Minh đều sử dụng khóa của Vũ Trụ Xanh như dự án Sala (quận 2), Vincom Retail, Vietcomreal (tất cả các dự án từ năm 2015 về sau)…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại