Kevin O’Leary là doanh nhân người Canada hiện sở hữu khối tài sản trị giá 400 triệu USD. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNBC, ông đã có một số chia sẻ đáng chú ý liên quan đến vấn đề xin việc trong thời kỳ sau đại dịch.
"Có rất nhiều yếu tố để đánh giá một ứng viên tiềm năng. Tuy nhiên, có một điều mà tôi coi là ‘báo động đỏ’ và thường xem xét đầu tiên. Đó là việc ứng viên đó nhảy việc khắp nơi trước khi xin việc tại công ty của tôi. Tôi và nhiều nhà tuyển dụng khác không thực sự đánh giá cao điều này.
Khi tuyển bạn, công ty phải đầu tư khá nhiều trong quá trình đào tạo và cung cấp trang thiết bị để bạn làm việc. Thậm chí, trong bối cảnh nhiều nơi vẫn phải làm việc tại nhà như hiện nay, một số công ty còn gửi máy móc đến tận nhà để nhân viên có thể làm việc từ xa. Nếu bạn chỉ làm việc ở đó vài tháng rồi nghỉ, đó sẽ là một sự lãng phí hoàn toàn đối với họ", O’Leary cho biết.
Triệu phú 67 tuổi nhấn mạnh rằng khi ứng tuyển vào một vị trí mới, bạn nên chuẩn bị tinh thần để làm việc lâu dài tại đó. "Hãy tự đặt ra cam kết với bản thân rằng dù thích công việc này hay không, bạn cũng nên cống hiến ít nhất là 2 năm. Nếu cảm thấy không được, tốt nhất bạn đừng nên làm để tránh lãng phí nguồn lực cho công ty".
O’Leary nói rằng tốt hơn hết, bạn nên đặt mục tiêu gắn bó với công ty mới 3 năm và 2 năm là con số tối thiểu. "Nếu đọc một CV và thấy ứng viên đó nhảy việc khắp nơi trong vòng 2 năm, tôi sẽ ném luôn vào thùng rác mà không cần xem xét thêm các mục khác. Không nhà tuyển dụng nào muốn thuê người thích bay nhảy như vậy cả", ông chia sẻ.
Lời khuyên của O'Leary tương đồng với một cuộc khảo sát năm 2018 của trang web việc làm TalentWorks. Họ đã phân tích ngẫu nhiên 7.000 đơn xin việc trong các ngành khác nhau trên khắp nước Mỹ và phát hiện ra rằng những người làm công việc trước đó trong khoảng thời gian dưới 15 tháng có khả năng được tuyển dụng khi xin việc mới ít hơn tơi 43%.
Cuộc khảo sát cho thấy làm việc trong thời gian ngắn tại công ty trước có thể tương đương với việc xóa sạch gần 5 năm kinh nghiệm trong mắt nhà tuyển dụng. Nguyên nhân là các nhà tuyển dụng thường dành ít hơn 1 phút để xem hồ sơ xin việc và thường ít cho ứng viên cơ hội giải thích cặn kẽ về lý do họ không gắn bó lâu dài với công việc trước.
Tuy nhiên, theo Suzy Welch, tác giả của một cuốn sách quản lý bán chạy, cũng có trường hợp nhà tuyển dụng linh hoạt một chút trong việc lựa chọn, ngay cả khi đó là một ứng viên từng nhảy việc ở một số chỗ.
Dù vậy, bà nhấn mạnh rằng ít nhất, trong số những lần nhảy việc, ứng viên cũng nên có một vài năm gắn bó tại một công ty. Nếu chỗ nào họ cũng chỉ làm việc được vài tháng, cơ hội được tuyển sẽ thấp đi đáng kể.
Mặt khác, tạp chí Harvard Business Review từng đưa ra một báo cáo, cho rằng việc nhân viên thường xuyên nhảy việc đã trở thành một phần của cuộc sống hiện nay và dù muốn hay không, các nhà tuyển dụng đôi khi cũng phải chấp nhận.
Nguồn: CNBC