Giữa năm 2017, trong toạ đàm "Đối thoại Doanh nghiệp Tỉ đô", ông Nguyễn Đức Tài khi được hỏi có thể ví Thế Giới Di Động như con vật nào. Sau một hồi suy nghĩ, sáng lập và Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cho rằng có thể ví tập đoàn bán lẻ này như con báo gấm.
“Đây là con vật mà khi cần tăng tốc thì sẽ đạt tốc độ 180 km/h trong 15 giây đầu tiên, rồi sau đó… đuối (cười). Báo gấm cũng có khả năng leo cây và bơi dưới nước. Khả năng tăng tốc và thích nghi với môi trường tương đối nhanh”, ông Tài khi đó trả lời.
Ông Nguyễn Đức Tài tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên Thế Giới Di Động 2019 - Ảnh: Hải Đăng
Rõ ràng, chuỗi điện máy và điện thoại của Thế Giới Di Động có tốc độ phát triển tương tự tốc độ của báo gấm, và tốc độ đó đang được áp dụng sang chuỗi mới là Bách hoá Xanh. Tập đoàn cũng chứng tỏ khả năng thích nghi khi có những thành công nhất định với chuỗi bách hoá mới, vốn là ngành hầu như không liên quan gì đến bán hàng IT.
Ông Nguyễn Thành Nam - một trong những người sáng lập tập đoàn FPT, cựu Tổng giám đốc FPT, là người đưa ra câu hỏi trên với ông Tài tại toạ đàm - bổ sung thêm: Báo gấm sẽ rình rình và bắt lấy con mồi?
Rõ ràng ông Nam nhìn ra được một tính cách đặc trưng khác của con báo gấm, nhằm củng cố vị thế của nó và để săn mồi.
Trong Đại hội cổ đông thường niên Thế Giới Di Động năm 2019 tổ chức cách đây hai ngày, khi được hỏi về khả năng tăng trưởng của Thế Giới Di Động trong bối cảnh ngành điện thoại tại Việt Nam chậm lại, ông Tài nói lại hai triết lý vốn được các lãnh đạo Thế Giới Di Động hay nói: để tăng doanh số, bán những thứ chưa từng bán, phục vụ nhóm khách hàng chưa từng phục vụ. Và lần đầu tiên, ông Tài nói về việc không loại trừ khả năng giành lấy thị phần của đối thủ.
“Khách ở mấy chuỗi tôi không tiện nêu tên đang dần bớt đi. Nhiều bên khác phải đóng cửa. Các bạn thử hỏi xem khách hàng của những chỗ đó sẽ mua hàng ở đâu?”, ông Tài nói.
Nhân viên Điện máy Xanh mang hàng ra lề đường bán cho khách trong dịp khai trương cửa hàng năm 2017 - Ảnh: Hải Đăng |
Sau một thời gian Bắc tiến, để giữ ngôi vương, Thế Giới Di Động đã mua lại Trần Anh, chuỗi điện máy tiếng tăm nhất Hà Nội và các tỉnh lân cận, để mở rộng thị trường. Toàn bộ các cửa hàng Trần Anh nay được áp dụng cách quản lý tương tự Điện máy Xanh, và ông Tài nhắc lại nhiều lần ở các sự kiện khác nhau về việc đã không còn tên Trần Anh trong trí nhớ của ông, vì chuỗi này đã nhập vào Điện máy Xanh.
Kết quả, chuỗi điện máy hiện nay đang nắm khoảng 35% thị phần các chuỗi cả nước.
Trước đó, trước tốc độ phát triển thần tốc để đạt gần 2.000 cửa hàng như hiện nay, chuỗi Thế Giới Di Động rõ ràng khiến rất nhiều đối thủ lao đao, phải bán mình hoặc đóng cửa.
Lấy khách từ kênh truyền thống
Ngoài đối thủ là các chuỗi cửa hàng lớn, Thế Giới Di Động cũng phải đối mặt với các kênh bán truyền thống là những cửa hàng nhỏ lẻ. Gần đây, chuỗi này không giấu diếm ý định lôi kéo khách hàng vốn quen với cửa hàng nhỏ quay sang giao dịch ở các cửa hàng lớn của họ.
Chuỗi Điện máy Xanh đang tăng trưởng tốt, trong đó ngành hàng máy lạnh đóng vai trò quan trọng. Nói với ICTnews, ông Đoàn Văn Hiểu Em - Tổng giám đốc công ty cổ phần Thế Giới Di Động - cho biết đặc thù của ngành máy lạnh là khách vẫn thích mua hàng ở các cửa hàng nhỏ lẻ, do đó từ giữa tháng 3 Điện máy Xanh đã tung 5 "tuyệt chiêu" để hút khách, đánh mạnh vào kênh truyền thống .
Rõ ràng khi đã chiếm thế thượng phong so với các đối thủ lớn, để mở rộng thêm thị phần, con báo gấm đã nhìn qua những mảnh đất khác do các "con mồi" nhỏ bé hơn đang kiếm ăn.
Cũng với mục tiêu gia tăng doanh thu, mới đây Thế Giới Di Động quyết định mở bán đồng hồ thời trang - lĩnh vực mới mẻ với chuỗi này. Nói với ICTnews, ông Hiểu Em cho biết nhu cầu mua đồng hồ của người dùng hiện nay vẫn rất lớn, tuy nhiên các kênh bán truyền thống hiện nay có nguồn hàng chưa bảo đảm, do đó Thế Giới Di Động mong muốn bán hàng với nguồn gốc rõ ràng, uy tín. Đây chắc chắn là đòn đánh mạnh mẽ vào các kênh bán đồng hồ nhỏ lẻ.
Trước đó, khách vào chuỗi Bách hoá Xanh sẽ được nghe các đoạn quảng cáo như "tươi ngon như ở chợ nhưng giá rẻ hơn", đánh trực diện vào kênh chợ truyền thống.
Gian hàng tươi sống của Bách hoá Xanh, phía xa là nhân viên đang làm thịt cá.
So với các đối thủ Coop Food hay Satrafoods giống mô hình một siêu thị thu nhỏ, Bách hoá Xanh giống một ngôi chợ mini hơn. Tức nhân viên ở chuỗi này chào mời khách như ở chợ, có nhân viên đứng làm thịt cá mang phong cách như ở chợ, và bán nhiều mặt hàng tươi sống như chợ truyền thống. Rõ ràng chuỗi này của Thế Giới Di Động đi theo hướng khác so với các đối thủ, và nhắm vào lượng khách hàng đang quen đi chợ hiện nay.
Bách hoá Xanh đang ấp ủ nhiều kế hoạch kinh doanh, trong đó quan trọng nhất vẫn là giá bán sẽ tốt hơn do hàng hoá nhập trực tiếp tại gốc chứ không qua nhà phân phối, kể cả với hàng nhập khẩu.
Khó khẳng định thành công của Bách hoá Xanh tại thời điểm này, nhưng không thể phủ nhận một điều khi con báo gấm đang tăng tốc thì nó cần "ăn" nhiều mồi hơn và sẽ đánh bại nhiều đối thủ ngáng đường trước khi biết được con báo tiếp tục mạnh mẽ hơn hay sẽ gục ngã giữa đường.