Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, những năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp, thường xuyên bị ngập nước, các vùng thấp trũng,... để phát triển những mô hình sản xuất mang giá trị kinh tế cao. Trong đó, nhiều năm nay người dân canh tác trên những vùng đất trũng đã đưa cây sen trồng kết hợp trong các mô hình cá - lúa để đa dạng đối tượng cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập.
Mô hình trồng sen của gia đình ông Nguyễn Văn Loan, xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) có hơn 100 ha đất sản xuất thuộc vùng trũng, đa phần chỉ sản xuất được 4 tháng của vụ xuân, còn lại 8 tháng sản xuất không hiệu quả hoặc bỏ không. Vì vậy, UBND xã Minh Tân đã khuyến khích người dân dồn đổi ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất để hình thành những mô hình kết hợp cá – lúa - sen mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, UBND xã Minh Tân đã giao khoán 100 ha đất vùng trũng thấp cho các hộ dân và phát triển được gần 40 ha sản xuất kết hợp cá - lúa - sen, với sự tham gia của khoảng 30 hộ. Ông Hoàng Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, cho biết: Giải pháp phát triển cá – lúa không làm thay đổi lớn về kết cấu hiện trạng mặt ruộng, các hộ dân chỉ cần cải tạo khoảng 20% diện tích mặt ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa là có thể tiến hành sản xuất mà không cần nhiều chi phí đầu tư, dễ thực hiện, độ rủi ro thấp, thời gian sinh lãi ngắn...
Theo quy trình, người dân sản xuất lúa vụ chiêm xuân, khi cây lúa cứng, bắt đầu thả cá, thu hoạch lúa thì trồng sen. Cây sen rất dễ trồng, gần như không cần chăm bón, không có sâu bệnh, mức đầu tư cũng thấp... nếu áp dụng tốt công thức luân canh thì mỗi ha cho năng suất khoảng 1 tấn hạt sen tươi.
Ngoài ra, người dân còn tận dụng bán hoa sen, ngó sen, lá sen làm dược liệu, doanh thu từ sản xuất cây sen đạt khoảng 180 đến 200 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó, doanh thu bình quân của mô hình cá – lúa - sen có thể đạt tới 300 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt khoảng 120 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 7 đến 8 lần so với sản xuất lúa trước đây. Do đó, trong xã diện tích sen trồng trên vùng đất trũng ngày càng được nhân rộng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 8.700 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực trũng thấp, tập trung ở các huyện: Nông Cống, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Thọ Xuân, Hoằng Hóa... Hầu hết những diện tích này chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, nhưng cũng không ăn chắc, nên hiệu quả kinh tế đạt thấp, bình quân thu nhập chỉ đạt khoảng 20 đến 25 triệu đồng/ha/năm. Các địa phương đã khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi sang mô hình cá – lúa kết hợp trồng sen và chăn thả thủy cầm.
Ông Nguyễn Văn Loan, xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa), có gần 2 ha đất trũng thuộc khu nuôi trồng thuỷ sản thôn Hoàng Trì. Ông Loan cải tạo, đưa khoảng 1 ha vào nuôi tôm công nghiệp, phần còn lại để sản xuất lúa, chăn nuôi. Tuy nhiên, diện tích đất ruộng trũng, sản xuất lúa hiệu quả thấp, vì vậy ông đã phát triển theo hướng luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ sen.
Ông Loan cho biết: Sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây sen vào sản xuất ở vụ xuân hè, hiệu quả kinh tế của diện tích ruộng thuộc khu đồng trũng của gia đình tăng lên rõ rệt. Với gần 1 ha trồng sen, gia đình thu được khoảng 800 kg hạt sen tươi, ngoài ra còn thu nhập hàng chục triệu đồng từ bán củ, ngó và hoa sen. Nhờ đó, doanh thu bình quân của vùng đất trũng đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Hiện tại, trên địa bàn xã, có hàng chục hộ đã đưa cây sen vào trồng trên diện tích sản xuất cá - lúa.
Sự chuyển biến về hiệu quả kinh tế sau khi thực hiện chuyển đổi đã chứng minh việc nhân rộng mô hình trồng cá - lúa kết hợp với trồng sen là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, mặc dù diện tích trồng sen ở nhiều địa phương khá lớn, như các huyện: Vĩnh Lộc gần 60 ha, Thọ Xuân hơn 40 ha, Hoằng Hóa 30 ha..., người dân vẫn chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, chưa phát huy hết giá trị của loại cây trồng tiềm năng này.
Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang đề nghị, hướng dẫn các địa phương nhân rộng, phát triển mô hình thông qua việc tích tụ, tập trung đất đai. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành trực thuộc sở đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, lựa chọn những giống sen có năng suất cao và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, kỹ thuật sơ chế, bảo quản hạt sen cho các hộ dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm từ cây sen.