Trí tuệ nhân tạo có thể ảnh hưởng đến hành vi và tâm sinh lý trẻ ra sao?

Vân Anh/VOV.VN |

Việc tương tác quá nhiều với trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm, lo lắng bất an hoặc mất kỹ năng xã hội do ngày càng ít tương tác với người khác ở giới trẻ nói chung và trẻ em nói riêng.

Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi thế giới và tạo ra những tác động không nhỏ lên mọi ngành nghề, lĩnh vực và con người. Song đây cũng là “con dao hai lưỡi” và ngày càng có nhiều cảnh báo về nguy cơ và những rủi ro từ trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt là đối với trẻ em vì đây là đối tượng thụ hưởng nhiều nhất những cơ hội do trí tuệ nhân tạo mang lại nhưng cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước mối nguy hiểm từ công nghệ đột phá này.

Trí tuệ nhân tạo có thể ảnh hưởng đến hành vi và tâm sinh lý trẻ ra sao?- Ảnh 1.

Việc tương tác quá nhiều với trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm, lo lắng bất an ở trẻ em

Trí tuệ nhân tạo có thể làm giảm sự sáng tạo của trẻ

Ông Ngô Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần An ninh mạng SCS cho biết, trong thời gian qua, các ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo đang trở nên ngày càng phổ biến, được nhiều người chia sẻ và sử dụng. Điển hình trong số đó là những ứng dụng chỉnh sửa ảnh, ứng dụng trò chuyện (chatbot) như chatGPT…

Tuy nhiên, trong lúc mọi người trải nghiệm các tính năng độc đáo của những ứng dụng này, nhiều người đã quên đi rằng, đối tượng có thể bị những công cụ trí tuệ nhân tạo làm tổn thương, để lại hệ lụy lâu dài, chính là trẻ em. Trẻ em thuộc mọi lứa tuổi đều có thể dễ dàng tiếp cận với các công cụ trí tuệ nhân tạo nhưng những công cụ này hầu như không yêu cầu sự cam kết nào trước khi sử dụng.

Trí tuệ nhân tạo có thể ảnh hưởng đến hành vi và tâm sinh lý trẻ ra sao?- Ảnh 2.

Ông Ngô Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần An ninh mạng SCS

Các ứng dụng tích hợp như ChatGPT cung cấp cho người dùng là thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn trên internet, bao gồm có cả thông tin chính xác và thông tin không chính xác, thậm chí là không được chọn lọc, đánh giá, sàng lọc theo độ tuổi của người sử dụng để đề xuất câu trả lời phù hợp. Vì thế, trẻ em rất có thể sẽ tiếp cận những thông tin không phù hợp với lứa tuổi hoặc có chứa nội dung bạo lực.

“Các công cụ tích hợp trí tuệ nhân tạo ngoài việc hỗ trợ tự động hóa, tiết kiệm thời gian cho nhiều việc, song mặt trái của nó là khiến cho con người bị lười sáng tạo, thiếu tính chủ động trong suy nghĩ, nhất là giới trẻ. Tôi đã gặp không ít trường hợp người trẻ khi gặp bất cứ vấn đề gì là hỏi chatGPT, sau đó là lấy nguyên câu trả lời để đưa vào “sản phẩm” của mình. Việc phụ thuộc quá mức vào những công cụ trí tuệ nhân tạo như vậy chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng hạn chế, chưa kể nhiều khi sai lệch, bởi lẽ những kết quả đó chỉ mang tính gợi ý”, ông Ngô Tuấn Anh nêu ý kiến.

“Trí tuệ nhân tạo phải khẳng định là mang đến cho con người rất nhiều giá trị, song mặt trái của nó cũng là điều cần cân nhắc, bởi tác động của nó về lâu dài là khá lớn, nhất là đối với giới trẻ”, chuyên gia Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, việc tiếp xúc với Chatbot (ứng dụng trò chuyện) từ khi còn quá nhỏ sẽ khiến trẻ lầm tưởng trí tuệ nhân tạo là người bạn thật sự và hành động theo lời khuyên của trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, những lời khuyên này có thể bao gồm nội dung không chính xác, có hại hoặc gây hiểu nhầm.

Trí tuệ nhân tạo có thể ảnh hưởng đến hành vi và tâm sinh lý trẻ ra sao?- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông

“Trí tuệ nhân tạo còn có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý và hành vi của trẻ. Với sự trợ giúp của các công cụ trí tuệ nhân tạo, trẻ em có thể tìm thấy thông tin về bất kỳ chủ đề nào chỉ bằng một câu hỏi. Chatbot đã giúp việc điều hướng thông tin dễ dàng hơn mà không cần mở hàng chục trang web và đọc vô số bài viết để tổng hợp thông tin”, ông Lương cho hay.

“Việc tương tác quá nhiều với công nghệ này có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm, lo lắng bất an hoặc mất kỹ năng xã hội do ngày càng ít tương tác với người khác. Ngoài ra, việc quá phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo còn có thể làm giảm khả năng học tập, nghiên cứu và làm việc chủ động của trẻ”, đại diện Cục An toàn thông tin nhận định.

Một rủi ro khác được đề cập đến là khả năng tiếp cận thông tin không phù hợp. Cụ thể, những thông tin từ các ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo như ChatGPT cung cấp cho người dùng là những thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet bao gồm có cả thông tin chính xác và thông tin không chính xác, các thông tin này thậm chí không được chọn lọc, đánh giá, sàng lọc theo độ tuổi của người sử dụng đề để xuất câu trả lời phù hợp.

Do đó, tìm kiếm có thể hiển thị những thông tin sai lệch hoặc hiển thị cả những nội dung người lớn hoặc bạo lực mà các bậc cha mẹ không muốn con mình xem hoặc tìm hiểu.

Thực hiện nguyên tắc 4T để bảo vệ trẻ

Cục An toàn thông tin cho rằng, để giảm thiểu các rủi ro của trí tuệ nhân tạo tác động đến trẻ, không phải cấm trẻ sử dụng là giải pháp tốt mà quan trọng nhất là giáo dục để trẻ nâng cao nhận thức để nhận biết được các rủi ro để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng, trong đó tuân thủ nguyên tắc 4T (Tuân thủ - Thông minh – Thận trọng và Tử tế) có thể giúp giảm thiểu đáng kể rủi ro.

Cha mẹ, nhà trường cần hướng dẫn trẻ em tuân thủ quy tắc, biện pháp an toàn khi sử dụng Internet. Ví dụ, chỉ sử dụng mạng xã hội khi đủ 13 tuổi trở lên, sử dụng internet trong khoảng thời gian cho phép, truy cập những nội dung được phép.

Trẻ em cũng cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia môi trường mạng thông minh như kỹ năng cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng, kỹ năng sử dụng, quản lý mật khẩu để đảm bảo an toàn.

Trẻ em nên cẩn trọng với những người bạn trên mạng bởi có thể có người giả danh để tiếp cận bạn, cẩn trọng khi truy cập vào các đường link lạ, cẩn trọng khi gặp những lời mời chào hấp dẫn đến khó tin,… để giảm thiểu các rủi ro liên quan tới lừa đảo trực tuyến.

Việc cư xử văn minh, tử tế trên môi trường mạng, không gửi hoặc phản hồi những tin nhắn có nội dung xấu hoặc có tính xúc phạm người khác. Chia sẻ với cha mẹ, thầy cô khi gặp các vấn đề, khó khăn, khi bị bắt nạt, cô lập hoặc bị xâm hại trên không gian mạng cũng là cách giúp các em giảm thiểu rủi ro.

Ngoài ra, Cục An toàn thông tin khuyên các bậc phụ huynh có thể ứng dụng một số công cụ công nghệ để có thể hỗ trợ chặn lọc các thông tin không phù hợp cho trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại