Clip bà mẹ bón cho con ăn ngay trên xe máy trên đường đến trường gây nhiều tranh cãi nhưng quan trọng hơn là nó tự vấn các bậc phụ huynh về việc phải ứng xử thế nào trong giả định mình chính là bà mẹ đó.
Mà có gì khác đâu, áp lực việc học không chỉ đè nặng trong clip đối với cháu bé và bà mẹ trong clip mà thật sự thì nó phủ bóng lên cả xã hội. Về phương diện cá nhân chúng ta có nên chăm sóc con em mình "tận răng, tận miệng" như bà mẹ trong clip không?
11 giây trên đường khiến nhiều người suy ngẫm.
Nhà tâm thần học thuộc Đại học Hồng Kông, bà Thẩm Huệ Linh, cảnh báo rằng việc cha mẹ bao bọc con quá mức trong thời đại ngày nay cũng đang góp phần hình thành những đứa trẻ "yếu ớt", không có khả năng vượt qua những áp lực học tập, thi cử chưa kể những cú sốc tâm lý mà người trẻ mới vào đời hay gặp phải.
Nếu có dịp ghé qua diễn đàn của những người trẻ, sẽ thấy không ít những tâm sự tương tự. Nghèo thì buồn phiền vì học phí, giàu thì than trách cha mẹ ít quan tâm đến mình, thậm chí một dòng trạng thái ít "like" trên mạng xã hội cũng đủ làm người trẻ "nổi điên" buồn bực suốt mấy ngày.
Tôi vào quán cà phê bình dân trước trường PTCS vì hẹn với một ông bạn. Có gần chục phụ nữ, mắt phải dán vào điện thoại xem phim dài tập, miệng tíu tít qua lại, mắt trái đảo nhanh qua cổng trường. Họ là các bà vú có nhiệm vụ trông trẻ?
Giờ tan học, mấy bà lao nhanh qua trường đón con em, tay lau mặt, miệng suýt xoa thương con nó học hành khổ cực.
Cơm bày ra, mấy cô cậu nhà ta mở điện thoại chơi game, mấy bà vú đút từng muỗng cơm, đưa ống hút tận miệng để các cô các cậu uống nước. Trời ạ, các chàng trai cô gái học lớp 7, lớp 8 cao lớn nhưng lại như các em bé bỉm sữa được vú nuôi bón cơm.
Trong những ngày mưa ngập vừa qua, cộng đồng mạng choáng voáng trước hình ảnh một bà mẹ nhỏ nhắn, đẩy xe trên có cậu con to đùng, thay vì phải ngược lại. Chúng ta đang chứng kiến một số bạn đã "cao niên" nhưng không chịu lớn, khoái "đóng bỉm" như vậy.
Cảnh tượng mà tôi trông thấy không phải cá biệt, nó diễn ra hàng ngày, hầu như ở tất cả các trường.
Tôi chợt nhớ một hình ảnh hoàn toàn trái ngược của cô bé Hoài Thương, khi mà truyền thông lần đầu biết đến, cách đây vài năm, bị cụt cả tay chân vì di chứng dioxin chất độc màu da cam.
Điều bạn bắt gặp đầu tiên ở bé Hoài Thương, cô bé khiếm khuyết tay chân, là nụ cười, rạng rỡ, hồn nhiên nhưng đầy kiêu hãnh như muốn nói "tôi bình thường", "tôi rất khỏe mạnh"… Rồi bé sẽ đòi ăn kem và năn nỉ đòi bạn nói với chị Giang - mẹ của bé cho bé bơi. Nếu bé ngoan , chị Giang sẽ cho bé "bơi" một lần trong tuần, "hồ bơi" bé xíu bằng cao su bơm hơi, rất ngộ nghỉnh.
NB Vũ Thủy, người thực hiện bộ ảnh nụ cười Hoài Thương đã bị ấn tượng ngay khi lần đầu gặp bé. "Cô nàng" đi trên chiếc xe trượt tự tạo hát vang cùng các bạn trên sân khấu. Không phải chúng ta mà là chính cô bé như đang truyền niềm vui cuộc sống cho người đối diện.
Có lẽ Hoài Thương không có cảnh bay đến những vì sao trong giấc mơ của mình như những bạn bè ở nơi xa nhưng mỗi sáng mai thức dậy của bé đã là giấc mơ tuyệt đẹp cho mỗi chúng ta về nghị lực, về khát vọng sống.
Câu chuyện của bé Hoài Thương từng khiến rất nhiều người xúc động
Chị Giang mẹ của bé Hoài Thương chậm rãi nói từng lời vì sợ như mình sẽ đau trở lại:
- Có con đặc biệt như vậy ai cũng đau lòng, có lúc tôi đã muốn chết đi và mang bé theo, nhưng có điều gì đó bí mật từ rất xa xôi đã giữ tôi lại. Hai vợ chồng nghèo, con có tật, thiên hạ điều tiếng "có lẽ nó ác lắm mới đẻ con quái lạ".
Suy đi nghĩ lại tôi bồng con bán vé số, có người tiếp tục những câu nói ác nghiệt, có người chia sẻ an ủi thật lòng. Nhưng quan trọng hơn, những ngày mưu sinh trên đường phố đã cho tôi hiểu rằng có những cảnh đời còn khổ hơn. Và vì sao có nhiều người xa lạ lại giúp đỡ con mình, lòng bao dung đó giúp hai mẹ con đứng vững.
Tôi biết hình hài con đặc biệt nên có thể gây bất ngờ cho người gặp lần đầu, tôi để ý từng chút và giải thích cho con hiểu ngay. Như hôm đi công viên, một bạn trai cùng tuổi nhìn thấy con đã la lên "sao bạn kỳ vậy?".
Hoài thương có vẻ như muốn độn thổ xuống đất, tôi chở con về đến chỗ vắng và nói với con: "không sao đâu con, bạn ấy không ghét con, con không xấu xí, chỉ vì gặp lần đầu nên bạn lạ thôi. Như trong lớp con cũng vậy, ban đầu các bạn hay chọc con nhưng bây giờ ai cũng thương con hết". Bé hiểu và từ đó cứng rắn hơn.
Tôi luôn dạy con tất cả những gì có thể làm được đều phải cố gắng làm, nhờ vậy Hoài thương có nhiều kỹ năng như người bình thường và quan trọng hơn là tự tin đối phó với những điều bất ngờ.
Cảm phục cách giáo dục tuyệt vời của bà mẹ và nghị lực phi thường của Hoài Thương, tôi chạnh lòng khi nghĩ đến một lớp trẻ khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực…nhưng vì sự bảo bọc quá mức của ba mẹ mà trở nên yếu ớt, mong manh đến đáng xấu hổ.
Dù không được lành lặn như bao bạn bè khác nhưng Hoài Thương vẫn luôn rạng rỡ nụ cười
Ai cũng yêu thương con mình, muốn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bé học tập tốt nhất là đối với áp lực việc học quá lớn như hiện nay.
Nhưng con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội, bé học chữ, học văn hóa nhưng cũng phải học làm người mà yếu tố căn bản cho sự phát triển của con người trong xã hội hiện đại chính là sự tự lập, tự đương đầu những áp lực, khó khăn trong việc học hành thi cử bây giờ và những vấn đề của cuộc sống mà ai cũng sẽ gặp phải nay mai.
Có một vấn đề mà phụ huynh nào cũng biết nhưng vô kế khả thi, không làm gì được đó là chương trình học, đặc biệt là chương trình cấp 1 quá nặng.
Bộ Giáo Dục Đào Tạo đã đưa ra Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang tiếp tục lấy ý kiến của dư luận và đã có một số điều chỉnh nhất định.
Theo đó, chương trình mới sẽ áp dụng đại trà vào năm học 2018-2019 cho lớp 1, thí điểm ở lớp 6 rồi thực hiện cuốn chiếu lên các lớp cao hơn. Môn học thế giới công nghệ ở lớp 1, 2 cũng đang được đề xuất không thực hiện.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: "Nội dung môn học lớp 1 ở dự thảo chương trình mới không khác nhiều so với chương trình hiện hành, được thiết kế theo hướng giảm bớt những kiến thức khó, điều chỉnh để nhẹ nhàng hơn, gần gũi với đối tượng học sinh".
Tuy còn nhiều ý kiến băn khoăn từ phía phụ huynh, quý thầy cô và các chuyên gia tuy nhiên chúng ta kỳ vọng với tinh thần cầu thị Bộ Giáo Dục Đào tạo sẽ đưa ra một chương trình học phù hợp hơn, ít ra là cũng giảm tải để học sinh và cả phụ huynh ít bị áp lực hơn như hiện nay.