Ảnh chụp X-quang dị vật được cho là 9 chiếc đinh trong đầu cháu bé 3 tuổi tại Thạch Thất (Hà Nội).
Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cũng cho biết, 2 ngày nay Tổng đài liên tục nhận được rất nhiều cuộc gọi quan tâm từ khắp cả nước hỏi về việc tình trạng của cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội bị bạo hành và quan tâm đến việc cháu bé đã được hỗ trợ ra sao.
Tại hội thảo trực tuyến “Bạo hành trẻ em: Vấn đề nóng cần chung tay xóa bỏ” diễn ra hôm nay (21/1), bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, hai vụ việc bạo hành trẻ em nghiêm trọng xảy ra gần đây nhất đều liên quan đến người thứ ba là bố dượng hoặc mẹ kế. Không phải tất cả các vụ bạo hành trẻ đều do bố dượng hoặc mẹ kế, bởi vẫn có những trường hợp chính bố mẹ đẻ cũng gây ra những vụ bạo hành nặng nề cho trẻ. Cụ thể như vụ việc ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa qua, chính bố đẻ bạo hành gây tử vong con đẻ của mình.
“Qua hai vụ việc gần đây, tôi thấy rất nhiều người trách móc bố mẹ đẻ của các cháu khi chung sống với người thứ ba dường như đã không làm gì hoặc làm ngơ, hoặc dung túng những hành vi bạo hành đối với chính con đẻ của mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ ở đây có rất nhiều lý do, có thể người trong cuộc mới rõ hơn.
Tuy nhiên, có thể tạm lý giải một số lý do như cha mẹ hoặc người thứ ba đó hoàn toàn không nắm được kiến thức về luật pháp rằng trách nhiệm của mình với tư cách là bố mẹ đẻ, là người chung sống với các cháu, phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ em và bạo hành trẻ em là phạm pháp.
Cũng có thể bố hoặc mẹ đẻ của trẻ sống trong mối quan hệ không cân bằng về quyền lực. Họ sợ người thứ ba sẽ bỏ đi, sợ mối quan hệ của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu lên tiếng phản đối hành vi bạo hành con. Cũng có thể, họ quá bận rộn với công việc mưu sinh, có thể họ không chú ý đến những thay đổi của con, những tổn thương của con mà chỉ nghĩ đơn giản rằng trẻ con có thể nghịch ngã chứ không đặt ra nghi ngờ.
Tôi nghĩ rằng rất nhiều người thiếu kỹ năng thương thuyết với người thứ ba nên dẫn đến những câu chuyện đau lòng như vừa rồi”, bà Khuất Thu Hồng nhận định.
Trước hàng loạt các vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, dù muộn màng, nhưng vẫn cần cộng đồng lên tiếng một cách quyết liệt trước những hành vi bạo hành, xâm hại trẻ.
Theo ông Đặng Hoa Nam, có những trường hợp trẻ bị bạo hành bởi chính những người thân trong gia đình, nhưng những thành viên khác lại không lên tiếng tố cáo do sự vô trách nhiệm hoặc chính họ cũng không biết tố cáo những hành vi đó ở đâu, hoặc xuất phát từ tâm lý sợ phải đánh đổi một mối quan hệ khác nếu lên tiếng hay lo sợ bị trả thù.
Bên cạnh đó, có những người chứng kiến, hoặc biết về hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em nhưng lại không có niềm tin, lo lắng nếu tố cáo vụ việc có được giải quyết hay không và bản thân họ có được bảo vệ hay không?
“Chúng tôi khẳng định, với quy định pháp lý, với dịch vụ như Tổng đài 111 và trách nhiệm của cơ quan công an hiện nay, chúng ta cần có niềm tin, người tố cáo sẽ được bảo vệ, bảo mật thông tin.
Tôi kêu gọi quý vị lên tiếng từ những hành vi bạo lực đầu tiên, từ những tiếng kêu, tiếng khóc nghi ngờ rằng trẻ đang bị bạo hành để chúng ta có trách nhiệm tố cáo lên cơ quan chức năng và gọi điện ngay cho 111.
Hiện nay Luật đã quy định rõ, người biết hành vi xâm hại mà không tố cáo, không tố giác cũng bị trách nhiệm hành chính, xử phạt đối với hành vi này là tối đa 15 triệu đồng”, ông Nam nói.
Cục Trưởng Cục Trẻ em cũng nhấn mạnh rằng, xét về mặt đạo đức, nếu im lặng khi phát hiện hành vi bạo hành trẻ em, thì rất có thể sẽ lại có thêm nhiều trẻ phải chịu những tổn thương nghiêm trọng, thậm chí là mất đi tính mạng. Việc gọi ngay cho Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111, hay công an xã, phường, thị trấn gần nhất có thể cứu sống được sinh mạng của trẻ em vô tội, giảm những tổn hại không đáng có./.