'Tránh xa đồ công nghệ, tôi mới tự biết mình là ai': Bài học mà những người trẻ chìm mình trong cơn nghiện smartphone không thể bỏ qua

Phương Thúy |

Có lẽ đây cũng chính là lý do mà những ông trùm công nghệ tại thung lũng Silicon như Bill Gates hay Steve Jobs đều dạy con tránh xa những sản phẩm do chính công ty mình sản xuất ra.

Trong thời đại cơn bão thông tin ngày càng trở nên quá tải, khả năng sàng lọc thông tin đóng vai trò quan trọng hơn việc tiếp nhận đơn thuần. Cho nên, chúng ta cần học được cách “cắt điện” kịp thời, dành cho bản thân một khoảng không gian và thời gian thích hợp để tạm dừng sử dụng các thiết bị điện tử công nghệ và mạng Internet.

Kevin Kelly là một biên tập viên sáng lập tạp chí Wired, cũng là nhà xuất bản của Whole Earth Review cực kỳ nổi tiếng trong lĩnh vực nhiếp ảnh và kỹ thuật số. Ông được đến như là một trong những "cha đẻ của thế giới Internet", cũng là người phát ngôn nhiệt tình nhất cho khoa học công nghệ mới.

Điều bất ngờ là trong nhà của Kevin Kelly lại không hề có lấy một chiếc TV. Ông cũng không có thói quen sử dụng điện thoại thông minh.

Thỉnh thoảng, ông sẽ xách hành lý lên và đặt chân tới những ngôi làng xa xôi tại châu Á và ở lại đó vài tháng, không hề mang theo máy tính và đồ công nghệ. Với ông, đây chính là hành trình để cắm rễ trở lại với thế giới thực.

Bản thân Kevin Kelly từng nói rằng: "Phải cố gắng tránh xa các đồ công nghệ hiện đại bây giờ, tôi mới có thể dễ dàng nhớ ra mình là ai".

Tự “cắt điện” bản thân cho phép chúng ta có đủ thời gian để nhìn nhận lại tình trạng của các mối quan hệ của mình giữa đời thực và thế giới ảo. Chúng ta cũng sẽ nhận ra mình có thực sự cần phải gắn liền cuộc sống với công nghệ hay không, hoặc cần khi nào, cần bao lâu, trong những lĩnh vực nào… Qua đó, ta mới tìm thấy sự cân bằng giữa hai cuộc sống.

Tránh xa đồ công nghệ, tôi mới tự biết mình là ai: Bài học mà những người trẻ chìm mình trong cơn nghiện smartphone không thể bỏ qua - Ảnh 1.

Cha đẻ của cuốn sách “The Black Swan” (tên sách dịch: "Thiên nga đen") là Nassim Nicholas Taleb, một nhà tiểu luận, học giả và phân tích rủi ro người Mỹ gốc Lebanon, từng viết: Từ trong sự biến động, mỗi sự vật hiện tượng đều sẽ có những thay đổi tương ứng, hoặc là nhận về, hoặc là mất đi.

Kẻ yếu là kẻ sẽ trở nên hoang mang, lo sợ khi đứng trước những sự dao động, không đủ khả năng thích nghi trong đó nên dẫn tới tổn thất. Ngược lại, kẻ mạnh không chỉ dễ dàng hòa nhập, thích ứng, mà họ còn chủ động đón đầu với mọi sự thay đổi, tận dụng lúc người khác đang hỗn loạn để thu lợi về cho mình.

Do đó, không ngừng trưởng thành, không ngừng học hỏi, người ta mới có thể chống chọi được với sự thay đổi liên tục của thời đại. Đứng trước một thế hệ công nghệ biến chuyển với tốc độ chóng mặt, bản thân con người cũng phải tiếp nhận thêm nhiều tri thức và năng lượng hơn để làm chủ những điều đó.

Người xưa có câu “Thư trung tự hữu hoàng kim ốc, thư trung tự hữu nhan như ngọc”, có thể hiểu là “Trong sách tự có vinh hoa phú quý, trong sách tự chứa mỹ nhân như ngọc”. Khi chúng ta hiểu biết càng nhiều, tầm mắt và tư duy cũng sẽ theo đó mà thay đổi. Cuộc sống tự nhiên sẽ trở nên phong phú, tâm tính càng thêm từng trải.

Hãy cách khác để thoát khỏi “cơn nghiện” thế giới ảo chính là xây dựng lại cuộc sống của mình.

Nguyên do chủ yếu khiến các thiết bị công nghệ thông minh, mạng lưới Internet trở thành một phần không thể thiếu là do con người cảm thấy hiện thực nhàm chán, cô đơn và không như ý. Đời sống hiện tại của họ không đủ vui vẻ so với thế giới mạng đầy phồn hoa phong phú.

Trong khi đó, nhà triết học người Đức Arthur Schopenhauer từng nói: "Chỉ có những lúc ở một mình, chúng ta mới có thể hoàn toàn là chính mình, hoàn toàn được tự do."

Phải biết rằng, cô độc là khởi đầu của một cuộc sống viên mãn. Nếu không biết cách tự sống với chính mình, chúng ta sẽ không biết cách chung sống hòa hợp cùng người khác. Nếu chúng ta biết đặt trọng tâm cuộc sống vào chính mình, dù đối mặt với thế giới ra sao, đều có thể hòa hợp và thích ứng dễ dàng.

Tránh xa đồ công nghệ, tôi mới tự biết mình là ai: Bài học mà những người trẻ chìm mình trong cơn nghiện smartphone không thể bỏ qua - Ảnh 2.

Một vài nghiên cứu đã được tổ chức bởi nghiên cứu sinh tiến sĩ Thuy-vy T. Nguyen, giáo sư Richard M. Ryan và Edward L. Deci, từ Đại học Rochester nhằm đánh giá sự thay đổi tâm lý học của việc dành thời gian ở một mình mà không sử dụng các thiết bị công nghệ điện tử tiện dụng cũng như trò chuyện cùng người khác.

Các kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Personality and Social Psychology Bulletin (Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội) đưa ra rằng: Con người thực sự có thể thanh thản và yên bình hơn khi tận hưởng sự cô đơn thuần túy một mình.

Cụ thể là, với nhóm người ngồi một mình tại một nơi thoải mái, tránh xa các đồ công nghệ thông minh, chẳng hề làm bất cứ thứ gì trong 15 phút sẽ cảm thấy sự lo lắng, tức giận, những kích động mãnh liệt về cảm xúc trong lòng đều giảm đi phần nào. Tuy nhiên, một vài người trong số đó lại nảy sinh sự buồn chán và cô đơn.

Với một nhóm người khác, cũng ngồi một mình thoải mái trong 15 phút, không dùng điện thoại, máy tính, nhưng được đọc một tờ báo thú vị.

Những trải nghiệm tích cực hoặc suy nghĩ về những điều tích cực khiến họ cảm thấy bình tĩnh, ít tức giận hoặc lo lắng, cũng không cô đơn hay buồn bã mà không hề để mất bất kỳ cảm xúc phấn khởi hay nhiệt tình nào.

Theo một cuộc khảo sát khác từ Business Insider, các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng việc sử dụng thiết bị di động thường xuyên có thể gia tăng 27% nguy cơ trầm cảm ở trẻ em. Những đứa trẻ sử dụng thường xuyên hơn 3 tiếng mỗi ngày cũng có xu hướng tự tử cao hơn. Có thể thấy, đồ công nghệ cũng đã đóng góp vào việc thúc đẩy các nhân tố không ổn định trong cảm xúc của mỗi người.

Có lẽ đó cũng là lý do mà những ông trùm công nghệ tại thung lũng Silicon như Bill Gates hay Steve Jobs đều dạy con tránh xa những sản phẩm do chính công ty mình sản xuất ra. Theo vị tỷ phú từng đứng đầu Microsoft chia sẻ, điện thoại di động sẽ bị “cấm tiệt” không được xuất hiện trên bàn ăn với tất cả mọi người trong gia đình, cũng như bọn trẻ chỉ được dùng khi đã 14 tuổi.

Công nghệ được áp dụng thích đáng sẽ giúp cuộc sống của chúng ta phát triển hiện đại hơn, thoải mái hơn, dễ dàng đạt được nhiều việc mình mong muốn hơn. Nhưng nếu để đến mức gây nghiện, đánh mất chính mình trong thế giới ảo, mỗi người cần xem xét lại phương thức sử dụng của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại