Những năm gần đây, tranh thủ thời gian nông nhàn, người dân ở xã Lăng Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) lại rủ nhau đi săn nhện rừng về bán cho thương lái, mang lại thu nhập tốt. Nhện rừng có đặc điểm nhiều chân, toàn thân màu vàng pha lẫn đen.
Nhện rừng có màu vàng pha đen, đầu to. Toàn bộ thân chỉ to bằng đầu ngón tay.
Nghề đi săn nhện rừng tại xã Lăng Thành thu hút khá đông người già, trẻ con và phụ nữ tham gia. Mùa săn nhện rừng thường bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 9 hàng năm.
Theo kinh nghiệm của những người đi bắt nhện chia sẻ, loài vật này thường sống tập trung ở các trại nuôi ong trong rừng tràm. Thời điểm từ tháng 4 hàng năm, nhện rừng vào mùa sinh sản nên có trứng, khi chế biến có vị béo, bùi. Ngày nào may mắn thì mỗi người có thể bắt được hơn 1kg, không thì cũng được vài ba lạng. Công việc này đã giúp nhiều hộ dân ở vùng nông thôn có thêm thu nhập lúc nông nhàn. Nhện rừng có trứng, giá cao thương lái tranh nhau mua.
Nhện cắt rất đau nên người dân phải đeo găng tay khi bắt.
Chị Trần Thị Hiến (SN 1980, trú tại xã Lăng Thành) một trong những người thường xuyên đi săn nhện rừng cho hay, tuy con vật nhỏ nhưng chịu khó quan sát kỹ thì dễ phát hiện và dễ bắt. Mỗi ngày, chị Hiến có thể bắt được gần 1kg. Có ngày "trúng quả", chị bắt được rất nhiều nhện rừng.
Chị Hiến cho biết, đồ nghề đi săn nhện rừng rất đơn giản. Công cụ gồm chiếc sào tre, bao tải nhỏ hay can nhựa để đựng nhện. Người đi săn, chỉ cần dùng chiếc sào, một đầu có mấu, ngoắc vào lưới để nhện rơi xuống đất và nhanh tay bắt lại. "Khi nhện rừng rơi xuống chúng không di chuyển quá nhanh nhưng cắn rất đau, có khi vết cắn sẽ sưng mấy ngày mới khỏi. Người dân thường tóm vào phần lưng của con nhện là được", chị Hiến cho biết, người dân đi bắt nhện thường mang theo găng tay để đề phòng bị nhện cắn.
Sau khi bắt về, người dân phân loại đóng gói rồi nhập bán cho thương lái với giá từ 100-300 nghìn đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (SN 1990, trú tại xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) làm nghề thu mua nhện rừng khoảng 3 năm nay cho hay giá nhện rừng lên xuống tùy thời điểm và tùy kích cỡ của nhện. Nhện rừng to, có trứng giá 300.000 đồng/kg, giá loại nhỏ là 100.000 đồng/kg.
Mỗi mùa, chị Ngọc thu mua của người dân khoảng 5-6 tạ nhện rừng. Để nhện rừng tươi ngon, chị Ngọc phải phân loại kích cỡ nhện rồi cho vào túi và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Sau khi có đủ hàng, chị Ngọc đưa nhập cho đại lý. Thông thường, nhện sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài để làm món ăn hoặc mồi nhậu.