Tôi gặp nghệ sĩ Trung Dân tại nhà riêng của anh. Một ngôi nhà rất bình dị nằm trong con hẻm đủ rộng để xe hơi chạy vào trên đường Đinh Tiên Hoàng quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Tôi cũng được gặp vợ anh, một phụ nữ có vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nước da trắng và duyên dáng dù đã ngoài 40 tuổi. Chị tên Phạm Thị Phượng.
Hai người nên duyên từ sự sắp xếp của cha mẹ chứ không xuất phát bởi tình yêu. Nhưng mối duyên lành do cha mẹ "chỉ định" ấy lại mang tới hạnh phúc cho họ hơn 20 năm qua. Và chính chị Phượng "tặng" chồng 3 người phụ nữ đặc biệt khác, đó là ba cô con gái của họ!
Hạnh phúc với cuộc hôn nhân... do ba mẹ "chỉ định"
Nhìn vợ và con gái anh đi cùng nhau chẳng khác gì chị em. Làm thế nào anh có được người vợ trẻ đẹp đến thế?
Hồi trẻ tôi cũng yêu vài người nhưng họ đều theo gia đình đi định cư ở nước ngoài. Vì thế các cuộc tình của tôi đều đi vào... ngõ cụt.
Bà xã là do ba má tôi chọn cho. Khi lấy cô ấy, tôi chẳng quen biết gì nhưng rồi cũng có với nhau 3 mặt con. Thế nên tôi nghĩ đó là cái số.
Nghệ sĩ Trung Dân tại nhà riêng. Ảnh: Cao Thanh Hương.
Nghệ sĩ thường khó giữ mình, lấy nhau vì yêu mà còn vợ lớn vợ bé. Trong khi xuất phát điểm của anh và vợ lại không phải từ tình yêu. Tôi rất tò mò muốn biết, thời gian đầu của cuộc hôn nhân ấy diễn ra như thế nào? Thực lòng thì anh có người nào khác không?
Nói thật, lúc đầu tôi không yêu cô ấy. Có con là do bản năng. Sau này nhìn đứa con đầu lòng ra đời, thấy sự chu toàn của cô ấy với chồng, với ba má chồng thì tôi biết số phận của mình ở đây.
Vợ tôi vốn là gái quê thật thà chất phác. Cô ấy hy sinh vì tôi, không lẽ nào tôi lại không hy sinh vì cô ấy. Thế nên tôi chưa bao giờ có suy nghĩ mình sẽ thay đổi, sẽ có người phụ nữ khác.
4 anh em trai tôi, đa số lấy vợ đều do ba má chọn nhưng không người nào có vợ bé hay ai khác.
Nhiều người nói rằng, Trung Dân là nghệ sĩ sống rất giản dị. Làm được bao nhiêu tiền, anh đưa hết cho vợ giữ. Chuyện này có không anh?
Giới nghệ sĩ nhiều người ngộ lắm. Không có tiền thì vay tiền mua nhà mua xe cho bằng người ta. Ở nhà mướn nhưng khoe là của mình. Cá độ, đánh đề nhiều không đếm hết.
Tôi đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp kiếm được bao nhiêu tiền xài bấy nhiêu, thậm chí xài hơn con số làm ra. Lúc đắt show cuộc sống phong lưu, khi hết thời lâm vào cảnh nợ nần, bế tắc.
Hồi má tôi còn sống vẫn thường nhắc nhở "đồng tiền đi hát là đồng tiền âm, dễ làm khó giữ". Làm nghề hơn 20 năm, tôi càng thấm thía lời khuyên đó.
Tôi nghĩ công việc và thu nhập của tôi giống như thời tiết. Hôm nay nắng đẹp, mai mưa bão, khô hạn, lũ lụt… nên tôi luôn sống cần kiệm, chăm chỉ.
Tôi không rượu chè bài bạc. Làm được nhiêu tôi đưa vợ tích cóp làm ăn chứ không xài hoang phí. Vợ tôi dùng tiền đó để kinh doanh bất động sản, làm yến hơn chục năm nay nhờ thế kinh tế trong nhà mới ổn định và vững vàng.
Vợ chồng nghệ sĩ Trung Dân (ảnh do nhân vật cung cấp).
Sẽ không để lại tài sản cho con…
Qua những gì anh kể, hẳn nhiên vợ là người phụ nữ đặc biệt quan trọng. Còn 3 cô con gái? Nước mắt có chảy ngược bao giờ đâu. Anh lại không có con trai. Tài sản hai vợ chồng nỗ lực cả đời… anh có dự tính gì chưa?
Cha mẹ nào cũng mong dạy con nên người. Họ luôn hướng con tới những điều tốt khi bước ra đời nhưng trở thành người thế nào còn tùy vào khả năng mỗi người.
Tôi nhìn thấy những sự rạn nứt gia đình từ đất đai và chính tôi cũng là nạn nhân. Tôi thấy anh em người ta kiện cáo, đánh nhau vì đất cát. Hồi xưa tôi cười nhưng giờ tôi không cười được. Chính gia đình tôi, nếu không biết kiềm chế thì cũng đã giống người ta.
Nói ai phải ai trái khó lắm. Người ngày xưa mình nghĩ tốt, giờ ngược lại… (thở dài)
Tôi có 3 đứa con gái nhưng chắc tôi sẽ không để lại tài sản cho chúng nó. Khi chúng còn trong vòng tay mình thì tốt nhưng khi nó có cuộc sống riêng với những tác động nào đó… tôi làm sao biết được chúng có đổi khác.
Tôi giả định, nếu như chồng nó là người biết chuyện thì không sao. Nhưng nếu rể tôi tham lam, ích kỷ, chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sợ dâu rể lắm. Họ là chất xúc tác để xảy ra những phản ứng phức tạp.
Sinh con dễ, dạy con khó lắm nên tôi thà đổ công sức, tiền của lo cho con kiến thức, đó mới là cái vốn để nó sử dụng tới cuối đời. Còn nhà cửa tài sản, nghĩ tới mà tôi oải.
Anh có đem chính câu chuyện trong nhà ra làm bài học dạy con về đạo làm người?
Tôi không nói với con, dù vậy đứa con gái lớn cũng biết đôi điều. Tôi muốn các con vô tư và giữ lại ít nhiều sự tôn ti trật tự trong gia đình dòng họ khi chúng gặp những người đó. Đến một lúc nào hợp lý tôi sẽ phân tích cho con nghe.
Bé Ù, con gái lớn của tác giả, đạo diễn phim "Bìm bịp kêu chiều" vừa tốt nghiệp Đại học RMIT.
Chuyện về ba cô con gái…
Là nghệ sĩ, cách dạy con của anh có khác những ông bố thông thường?
Tôi may mắn vì con tôi rất ngoan. Bà xã tôi vừa làm nội trợ vừa kinh doanh yến. Ngày nào cô ấy cũng liên lạc với giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu để nắm được chuyện của con ở trường.
Còn ở nhà, tôi không cho con xem những kênh truyền hình lố lăng. Sách vở con đọc cũng theo sự chỉ định của tôi. Chúng có lên mạng chơi game giải trí nhưng không quên việc học.
Thậm chí, hai đứa nhỏ nhà tôi còn hiểu được trang web nào bậy bạ và không bao giờ xem. Ra đường gặp đứa nhỏ nào nói từ không hay, nó chỉnh ngay.
Gia đình tôi dạy con từ những điều nhỏ nhất như chuyện bỏ rác đúng nơi quy định. Ở nơi công cộng, nếu không thấy thùng rác, chúng nó bỏ túi áo túi quần, gặp thùng rác thì bỏ vô.
Trong gia đình, hình như anh cũng là ông bố khó tính?
Tôi không nghiêm khắc nhưng tụi nhỏ rất sợ. Chúng nó ra ngoài không dám làm gì sai, sợ tôi giận.
Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên dắt đứa con gái út vô trường Nguyễn Bỉnh Khiêm học lớp 1. Tôi đi nhầm lên tầng 2 nên phải dắt con xuống tầng 1.
Lúc xuống cầu thang, tôi gặp một người phụ nữ dắt đứa con gái đang đi lên. Tôi né sang một bên vì sợ vướng đường người ta nhưng con bé đó nói: "Tránh ra, bọn nhà nghèo".
Người mẹ mặt tỉnh bơ, không có phản ứng gì trước câu nói đó. Tôi dừng lại nhìn theo hai mẹ con họ. Tới giờ con gái tôi học lớp 5 nhưng nó vẫn nhớ câu chuyện đó.
Con gái tôi hỏi: "Ba, nó nói bọn nhà nghèo là nó nói mình hả ba?" Tôi trả lời: "Có thể họ giàu hơn mình về tiền bạc nhưng khi họ mở miệng ra nói câu đó, họ là người nghèo tới nỗi không còn gì nghèo hơn. Họ nghèo về suy nghĩ, về nhân cách đó con".
Sony hiện đang học lớp 9 và rất mê chế tạo máy bay tàu ngầm. Còn Nasa (ngồi bên phải) dù mới học lớp 5 nhưng cô bé bộc lộ rõ năng khiếu ngoại ngữ. Nasa nói tiếng Anh rất giỏi.
Anh có thể kể thêm về 3 cô con gái như tính cách, thói quen, sở thích của chúng… Liệu có ai theo cha làm nghệ thuật không?
3 đứa con tôi không đứa nào thích nghệ thuật. Con gái lớn tên NguyễnThảo Nguyên, ở nhà kêu là Bé Ù, vừa tốt nghiệp RMIT khoa ngoại thương.
Nhỏ giữa tên Nguyễn Thảo Ngân, tôi gọi là Sony vì nó chỉ thích xài đồ hiệu của Nhật. Áo thun mặc nhà rẻ tiền không sao nhưng đồ mặc đi chơi của nó phải là hàng xịn.
Tôi cũng khá tốn tiền với sở thích này nhưng nó lập luận, xài đồ hiệu mới là tiết kiệm vì đồ hiệu bền. Tính nó như con trai. Giỏi toán lý hóa và thích chế tạo máy bay, tàu ngầm. Nó nói với tôi "mai mốt nhà rộng, ba cho con xin 10 mét vuông để làm xưởng chế tạo".
Nhỏ út tên Nguyễn Phạm Huỳnh Khoa, bí danh ở nhà là Nasa đang học lớp 5 nhưng có năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ. Giờ nó có thể xem phim bằng tiếng Anh không cần dịch.
Ba chị em nó ở nhà thường xuyên nói chuyện bằng tiếng Anh. Nhỏ út kiêm phiên dịch cho ba vì tôi dốt ngoại ngữ (cười)!
Nghệ sĩ hài Trung Dân tên đầy đủ là Nguyễn Trung Dân. Anh xuất thân là nghệ sĩ sân khấu kịch nói từng công tác tại IDECAF.
Với sân khấu kịch, Trung Dân được khán giả yêu thích qua các vở "Tin ở hoa hồng" (vai ông Đối), "Anh chàng xỏ lá" (vai ông già keo kiệt), "Dưới bóng cây bồ đề" (vai Mười hớt tóc)...
Trên truyền hình, điện ảnh, Trung Dân đóng nhiều vai phụ nhưng ở vai diễn nào, người ta cũng mê lối rất thật và gần gũi của anh. Từ "Đất Phương Nam" đến "Đường đua"...
Anh còn làm đạo diễn cho nhiều chương trình tiểu phẩm hài của các Đài truyền hình khu vực miền Nam. Điển hình là "Từ quê ra thành phố" của VTV Cần Thơ, mỗi năm hơn 200 số.
Anh cũng là tác giả, đạo diễn nhiều bộ phim truyền hình gây sốt với khán giả miền Tây như "Bìm bìm kêu chiều" (30 tập, chiếu trên truyền hình Vĩnh Long), "Báu vật" (6 tập, dựa theo tuyện ngắn cùng tên do chính nghệ sĩ Trung Dân viết)...
Hơn 20 năm làm nghề, Trung Dân từng vinh dự nhận giải Cù Nèo Vàng năm 2005, Giải Nghệ sĩ hài được yêu thích nhất - HTV Awards năm 2008, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009.
Cám ơn anh đã chia sẻ!