Nêu quan điểm về vấn đề trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng muốn đổi mới giáo dục cần thay đổi nội hàm thay vì chỉ hướng tới thay đổi các khẩu hiệu.
“Trước hết, muốn đổi mới giáo dục thì nội dung chương trình phải đổi mới. Tiếp theo là cách người thầy truyền đạt cũng phải thay đổi hướng đến cho học sinh sự chủ động, sáng tạo chứ thay khẩu hiệu có nghĩa lý gì đâu? Vì thế tôi không đồng ý việc bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn".
Tôi cho rằng muốn khuyến khích học sinh phản biện, không cần bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" ra khỏi trường học mà người thầy phải sử dụng nhiều phương pháp dạy học mới mẻ.
Theo đó, thầy cô và học sinh cùng tìm hiểu để phát huy năng lực, tăng cường tư duy phản biện của học sinh để trí tuệ của các em rộng rãi, phong phú hơn. Tôi cho rằng, đó mới là phương pháp đổi mới giáo dục rất tích cực”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ thì đối với mỗi con người, "đức" là cái gốc cơ bản, là cái rất quan trọng trong cuộc sống.
Con người có hai điểm, một là đạo đức, hai là năng lực. Cả hai yếu tố này đều cần thiết, tồn tại song song và nếu người đó có tài và có đức thì hoàn hảo.
Tại Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cũng đã không treo khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" từ lâu. Nói về điều này, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Việc bỏ khẩu hiệu này để giúp giáo viên hướng tới phương pháp giảng dạy hiện đại, để học sinh được hướng dẫn thêm tư duy phản biện, kích thích sự sáng tạo của học sinh.
Hơn nữa, khi học sinh có nền tảng văn hóa, tri thức thì chữ "lễ" đương nhiên sẽ được thực hiện mà không cần khẩu hiệu.
Mặt khác, thế giới vận động từng ngày, các triết lý giáo dục cũng phải thay đổi bởi thực tế hiện nay chúng ta đang hướng tới, nếu học sinh được học tập một cách nghiêm túc, sáng tạo bởi những phương pháp hiện đại thì theo tôi cũng không cần phải "tiên học lễ" nữa”.
Trước đó, Tại hội thảo Giáo dục Việt Nam chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) trình bày quan điểm trên trong tham luận: "Xây dựng Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo".
Ông khẳng định, sáng tạo thuộc về tài năng trong khi xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định nên không hướng đến tài năng mà đề cao chữ lễ, "Tiên học lễ, hậu học văn", đề cao sự phục tùng. Trong khi đó, để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình.
GS Trần Ngọc Thêm kiến nghị: "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo".
"Chừng nào còn đề cao chữ "Lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển", ông nhấn mạnh thêm.