Một báo cáo mới của trang tin Financial Times cho thấy Huawei đang có kế hoạch thoát khỏi sự trừng phạt từ chính phủ Mỹ: tự xây dựng một nhà máy sản xuất chip không sử dụng công nghệ Mỹ ở Thượng Hải. Nhà máy này sẽ giúp Huawei đảm bảo được nguồn cung chip cần thiết cho mảng kinh doanh hạ tầng viễn thông trước các biện pháp trừng phạt của chính phủ Mỹ.
Hai nguồn tin của FT cho biết nhà máy này sẽ được vận hành bởi đối tác của họ, Shanghai IC R&D Center, một công ty nghiên cứu chip được hậu thuẫn bởi chính quyền thành phố Thượng Hải. Tuy vậy việc thiếu công nghệ Mỹ cũng có nghĩa nhà máy này sẽ phải đi sau nhiều năm về công nghệ so với những người dẫn đầu như TSMC và Samsung.
Ban đầu nhà máy này sẽ thử nghiệm với các chip cấp thấp 45nm, một tiến trình công nghệ đã 15 năm tuổi.
Tuy vậy, Huawei đang đặt mục tiêu sản xuất được chip 28nm vào cuối năm sau, theo những người gần gũi với dự án này. Tiến trình chip này sẽ cho phép Huawei sản xuất được các thiết bị IoT – các TV thông minh hoặc các thiết bị IoT khác.
Đến cuối năm 2022, Huawei sẽ sản xuất được các chip 20nm. Các chip tiến trình này sẽ cho phép họ xây dựng các chipset dành cho trạm lõi 5G – một thành phần cốt yếu trong mảng kinh doanh hạ tầng viễn thông của họ.
Cho dù các chip này không phải là lựa chọn lý tưởng cho mảng kinh doanh viễn thông của họ, cũng như chi phí sản xuất cao và kém hiệu quả khi thiếu các công nghệ của Mỹ, nhưng nó lại vô cùng cần thiết cho tương lai của công ty khi theo FT, kho dự trữ chip của họ từ cuối năm ngoái đang gần cạn.
"Họ có thể làm được điều đó, có lẽ trong vòng 2 năm." Mark Li, nhà phân tích bán dẫn tại hãng Bernstein ở Hong Kong cho biết. Ông cũng bổ sung thêm rằng, cho dù điều lý tưởng nhất cho các trạm gốc của Huawei trong mạng viễn thông là các chip 14nm hoặc tiến trình cao cấp hơn, nhưng chip 28nm cũng là điều có thể.
Theo ông Li, "một nhà máy như vậy nhiều khả năng sẽ hoạt động dựa trên sự kết hợp của thiết bị đến từ các nhà cung cấp Trung Quốc như AMEC và Naura, cùng với một số công cụ của nước ngoài mà họ tìm thấy trên thị trường."
Tuy vậy, cũng đừng hy vọng nhà máy này có thể tạo ra các chipset có thể mang lại khả năng cạnh tranh cho mảng kinh doanh smartphone của Huawei, ít nhất trong thời gian ngắn 2-3 năm tới.
Hiện tại, để bắt kịp với các đối thủ như Samsung và iPhone, Huawei đang trang bị bộ xử lý Kirin 9000 cho dòng flagship Mate 40. Các bộ xử lý này được xây dựng trên tiến trình 5nm – một giấc mơ quá xa tầm với so với nhà máy ở Thượng Hải. Ngay cả các chip tầm trung của Huawei cũng được sản xuất trên tiến trình 14nm – một điều nhà máy này vẫn chưa thể đạt được trong vòng 2 năm tới.
Căn cứ vào lộ trình hiện tại theo tin đồn, có lẽ Huawei chỉ có thể sản xuất được các chipset cạnh tranh được với smartphone hiện nay trong khoảng 10 năm nữa. Rõ ràng nhà máy này không phải là một giải pháp tức thời dành cho Huawei, nó giống một khoản đầu tư lâu dài hơn.
Hiện cả Huawei và ICRD đều từ chối bình luận về nhà máy sản xuất chip này.
Tham khảo Android Authority