Sau sự kiện Catalonia chính thức tuyên bố độc lập, một trong những vấn đề khiến nhiều người quan tâm nhất là hành động của nghị viện vùng tự trị này có hợp pháp.
Trên RT (Nga), một cuộc tranh luận nảy lửa giữa Nghị sĩ Catalonia Carles Prats, một người ủng hộ khu vực độc lập, và nhà khoa học chính trị Ruben Tamboleo đến từ Madrid, đại diện cho quan điểm phản đối việc ly khai.
Ông Tamboleo lập luận, việc người Catalan tuyên bố độc lập là bất hợp pháp, vì vốn dĩ họ đã sai từ cuộc trưng cầu dân ý hồi 1/10. Theo chuyên gia, kết quả trưng cầu dân ý không hợp lệ bởi đó chỉ phản ánh ý chí của một bộ phận nhỏ, không phải toàn bộ người Catalonia. Chưa kể, chính phủ trung ương Tây Ban Nha đã gọi cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp.
Ông Tamboleo cũng nhấn mạnh, vùng tự trị ở Barcelona nên hành động dựa trên Hiến pháp Tây Ban Nha năm 1978.
“Họ (chỉ Catalonia) có những người muốn ở lại Tây Ban Nha. Vì vậy, họ không thể chống lại một nửa dân số. Những người không bỏ phiếu không muốn mất đi lịch sử, ngôn ngữ chung và tất cả những điều tốt đẹp đang diễn ra cùng nhau. 90% người Catalonia ủng hộ Hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý cách đây 40 năm. Điều này rất quan trọng vì Hiến pháp chính là khuôn khổ pháp luật của chúng ta”, ông Tamboleo phân tích.
Ông cũng tán thành việc chính phủ Madrid viện dẫn Điều 155 của Hiến pháp, tước bỏ quyền tự trị của Catalonia, bởi đây là biện pháp hoàn toàn bình thường “để khôi phục pháp luật và nền dân chủ”.
Phản bác lại luận điệu của vị chuyên gia, Carles Prats khẳng định, tuyên bố độc lập của Catalonia hợp pháp vì nó dựa trên một cuộc trưng cầu dân ý hợp lệ. Prats giải thích, không phải một bộ phận người Catalonia không bỏ phiếu mà 700.000 lá phiếu đã bị cảnh sát tịch thu trong vụ trấn áp đẫm máu.
“Các vị không muốn mọi người bày tỏ ý kiến riêng… Các vị đã cố gắng khiến cho họ không thể mặc dù chúng tôi có thể làm điều đó. 56% số người tham gia, và 80% người dân đã quyết định ‘Có’. Các vị không thể gọi đó là phi dân chủ khi chúng tôi lắng nghe tiếng nói của người dân”, Prats nói.
Ông xác nhận lại, sau cuộc trưng cầu dân ý, chính quyền khu vực đã cố gắng kết sức để bắt đầu đối thoại với Madrid, nhưng chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy bác bỏ.
Nghị sĩ Catalonia cũng lo ngại, Madrid sẽ sử dụng vũ lực để duy trì sự thống nhất của Tây Ban Nha, đồng thời bày tỏ hy vọng, Liên minh châu Âu sẽ can thiệp để “giải quyết tình hình một cách dân chủ”.
Trước đó, vào ngày thứ Sáu (27/10, theo giờ địa phương), Catalonia chính thức tuyên bố ly khai khỏi Tây Ban Nha, chính thức trở thành một quốc gia độc lập sau thời gian dài tự trị.
Đáp trả hành động trên, Thượng viện Tây Ban Nha cho phép chính phủ Madrid đình chỉ quyền tự trị, và áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp lên chính quyền Catalonia.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Mariano Rajoy sa thải lãnh đạo khu vực Carles Puigdemont, cùng toàn bộ nội các, và giải tán Nghị viện Catalonia, đồng thời đưa ra thời gian tổ chức bầu cử khu vực vào 21/12 tới đây.