Dinh thự Hoàng A Tưởng tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai được xây dựng từ năm 1914, hoàn thành năm 1921 với lối kiến trúc Á – Âu. Đây là dinh thự của hai cha con Hoàng Yến Chao, Hoàng A Tưởng người dân tộc Tày, cai trị một vùng có đến 70% là dân tộc Mông nên vẫn thường được dân gọi là “ Dinh thự vua Mèo ”.
Tổng diện tích toàn khu nhà lên tới 10.000 m2, xung quanh có tường bao trổ nhiều lỗ châu mai, có đường đi trên thành cho lính gác đi tuần. Dinh thự có bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín với tổng số 36 phòng, phía sau có hệ thống đường hầm thoát hiểm.
Dinh thự cổ Hoàng A Tưởng là một “chứng nhân” của lịch sử, nơi ghi dấu một phần đời sống người dân cao nguyên trắng Bắc Hà nửa đầu thế kỷ 20.
Năm 1999, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận dinh thự cổ Hoàng A Tưởng là di tích cấp quốc gia. Đây cũng là một địa điểm du lịch hấp dẫn mỗi khi du khách đến tham quan, du lịch tại cao nguyên đá Bắc Hà.
Đến nay, sau hơn 100 năm, dinh thự đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
Sau hơn 100 năm, dinh thự đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
Mới đây, Sở du lịch tỉnh Lào Cai đã quyết định trùng tu, sửa chữa lại dinh thự này. Tuy nhiên, quá trình sơn sửa lại tường của dinh thự vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều ý kiến cho rằng giá trị của dinh thự nằm ở chữ "cổ", nên phải giữ nguyên màu sơn cũ của dinh. Giữ nét rêu phong, cổ kính mới có giá trị lịch sử.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đồng tình với việc các lớp sơn của dinh thự đã bị bong tróc, hư hỏng, cần được sơn sửa lại. Miễn sao phải giữ lại được nét truyền thống và đồ đạc bên trong dinh thự này.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở du lịch tỉnh Lào Cai cho biết đây mới là bước thử màu để phục vụ cho hội thảo sắp tới sẽ trưng cầu ý kiến các chuyên gia, bao gồm cả một điểm cầu trực tuyến với vùng Nouvelle-Aquitaine (Pháp).
Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, rất khó để xác định màu nguyên bản vì toàn bộ ảnh tư liệu lưu giữ được của công trình hơn 100 năm tuổi này đều chỉ có 2 màu đen trắng. Những gì mọi người đang mang ra so sánh, thực chất là kết quả của lần trùng tu cách đây 17 năm.
"Do không có thiết kế gốc nên Sở đã mời các chuyên gia hàng đầu tới khảo sát, nghiên cứu, tham chiếu vào những công trình kiến trúc cùng thời những năm 1920 để tư vấn phương án”.
Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết thêm, các bước trong quá trình trùng tu, ngành đều đã báo cáo với tỉnh và được Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chấp thuận.
Phương án trùng tu được phê duyệt lần này cho thấy phối và bố cục màu sơn là một trong số hạng mục nhằm phục hồi những thay đổi không phù hợp so với di tích gốc. Cùng mục tiêu này còn có các hạng mục: thay gạch lát nền tầng 1, khôi phục chi tiết trang trí chân móng, mảng tường giữa cầu thang và sân trước cộng với các vòm cuốn, khôi phục lại 2 lối lên xuống tầng.
Ngoài ra, phương án cũng tập trung cải tạo, tu bổ nhiều hạng mục, từ tường, trần, mái, cổng đến sân vườn, cây xanh, điện chiếu sáng, cấp thoát nước... dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.
Một số hình ảnh dinh thự Hoàng A Tưởng trước khi sơn sửa: