Mặc dù xuất hiện trên thị trường âm nhạc một thời gian khá dài nhưng Despacito vẫn phổ biến tại bất cứ nơi đâu, dù ở công ty hay trường học, dù là đám cưới hay thậm chí cả… tang lễ!.
Mới đây, cư dân mạng ngạc nhiên khi Despacito phiên bản kèn Tây được “biểu diễn” ngay tại một đám tang. Đoạn clip này nhanh chóng gây tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Despacito phiên bản kèn Tây tại đám tang khiến nhiều người ngạc nhiên.
Có thể thấy, đội quân mặc lễ phục màu trắng với nhiều nhạc cụ như trống, đàn và phần lớn là kèn Tây đang say sưa biểu diễn bản “Despacito” trong khuôn khổ một đám tang. Rất nhanh chóng, đoạn clip thu hút hàng ngàn bình luận trái chiều khác nhau.
Một phần cho rằng bản nhạc này không phù hợp với đám tang, chẳng khác nào tác phẩm văn học “Hạnh phúc của một tang gia” phiên bản đời thực, trong khi đám tang cần không khí u buồn, tĩnh mịch.
Phần còn lại cho rằng đoạn clip không hề phản cảm vì vốn dĩ đây là phong tục ma chay đặc trưng và phổ biến ở các tỉnh phía Nam.
Dàn nhạc Tây bao gồm trống, guitar, và phần lớn là kèn Tây đang biểu diễn bản Despacito.
Chủ nhân của đoạn clip là Nguyễn Thành Nhơn cho biết: “Đây là một đám tang tại Sa Đéc, Đồng Tháp - một tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ nước ta. Mình là người trực tiếp tham dự đám tang, vì ấn tượng với dàn nhạc nên ghi lại và đăng tải lên một page lớn, không ngờ lại nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng”.
Không gian là một đám tang.
Văn hóa ma chay ở các vùng miền từng trở thành đề tài bàn tán của nhiều người. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Lợi (TP. HCM) cho biết: “Không thể thiếu trong các đám tang ở Nam bộ là các dàn nhạc Tây, được mời đến diễn từ lúc quan tài còn ở nhà cho đến khi đưa ra nghĩa trang.
Đám tang ở người Nam bộ không thấy có chuyện khóc mướn. Thường mỗi đám tang đều có ban nhạc lễ để đuổi tà khí và để “người chết khuây khỏa”. Tuy nhiên, để không khí đám tang bớt u buồn, một số nơi mời các nhóm “văn nghệ nghiệp dư” đến biểu diễn.
Dân gian biểu diễn các pha tạp kỹ như đội chai rót rượu, múa dâng bông, múa ngậm dao, đội ghế trên đầu… giống y múa bóng rỗi ở các đình miếu. Hiện đại thì các “ca sĩ”, phần nhiều là pê-đê hát các bài nhạc tân thời, từ ủy mị đến vui nhộn. Những lúc đưa tang có thể là “Anh không chết đâu em”, “60 năm cuộc đời”, “Guantamela”… đều là những ca khúc có tiết tấu rộn ràng”.