Theo nhận xét của nhiều người, do năm nay là năm Mậu Tuất nên bên trong đường hoa có sự xuất hiện của nhiều mô hình chó trông rất đáng yêu. Tuy nhiên, mô hình "các chú chó tấu nhạc tài tử" khiến trên mạng xã hội và những người am hiểu về nghệ thuật đờn ca tài tử đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.
Mô hình chó trông ngộ nghĩnh ở đường hoa nghệ thuật Cần Thơ. Ảnh: TÂM QUÂN
Chị Nguyễn Thị Thu (ngụ quận Cái Răng) sau khi xem qua hình ảnh những chú chó "biểu diễn" đờn ca tài tử đã tỏ ra thích thú.
Theo chị Thu, chó được xem là con vật gần gũi, thông minh và trung thành nhất đối với con người nên việc chó cầm đờn ca hát là ý tưởng hay, góp phần tạo thêm không khí vui tươi cho đường hoa trong những ngày Xuân về.
Tương tự, anh Nguyễn Chí Thanh (ngụ quận Ninh Kiều) cho rằng chắc chắn 2 đứa con nhỏ của anh sẽ rất thích thú khi đến tham quan những chú chó xinh xắn, đáng yêu tại đường hoa Cần Thơ năm nay, trong đó có những chú chó đờn ca tài tử.
Tuy nhiên, không ít người cảm nhận mô hình chó đờn ca tài tử là "kỳ kỳ", là "nhạy cảm". Bởi lẽ, từ lâu đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam bộ, được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 5-12-2013.
Hơn nữa, đờn ca tài tử từng 2 lần được tổ chức Festival tại Bạc Liêu và Bình Dương - sự kiện cấp Quốc gia nhằm tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung, người Nam bộ nói riêng, trong đó có các nghệ nhân, nghệ sĩ…
Mô hình cây đờn kìm được đặt trang trọng tại quảng trường Hùng Vương ở Bạc Liêu. Ảnh: Internet
Thậm chí, mô hình cây đờn kìm – một trong những loại nhạc cụ trong đờn ca tài tử - được tỉnh Bạc Liêu đặt tại quảng trường Hùng Vương của tỉnh này một cách trang trọng và được xem là "biểu tượng" của quê hương Công tử Bạc Liêu.
Trên mạng xã hội Facebook, anh N.H. (ngụ Bạc Liêu) đã thốt lên: "Lũ chó đờn ca tài tử!". Còn anh .N.T. thì cho rằng: "Thấy kỳ kỳ".
Anh V.L. (ngụ Cái Răng) - một người thường tham gia các hoạt động đờn ca tài tử không chuyên - cho rằng mặc dù năm nay là năm Mậu Tuất nhưng điều đó không có nghĩa là lấy lý do để cho chó "đại diện" các nghệ nhân, nghệ sĩ cầm đơn ca hát trông rất phản cảm.
"Theo tôi, chỉ nên để mô hình chó trước cổng đường hoa là đủ, nếu có thêm thì vài mô hình chó đang nô đùa với hoa, cỏ, bướm… như những đường hoa khác trong cả nước chứ không nên đưa mô hình chó "nhạy cảm" như đường hoa Cần Thơ năm nay" – anh L. nhận xét.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, soạn giả Hà Nam Quang (ngụ An Giang)- một trong những soạn giả cải lương nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ - cho rằng: "Năm Tuất nhưng anh em cho chó "ôm đờn" như vậy thì cá nhân tôi cảm thấy phản cảm, không khéo thì người ta nghĩ dân đờn ca tài tử là vậy thì chết luôn.
Tôi hiểu anh em làm bằng thiện ý chứ không phải ác ý gì. Tuy nhiên, nhiều cái "tình thương vô ý gây nên tội" thì khổ".
Sáng 12-2, ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cho biết: "Đường hoa nghệ thuật do sở chủ trì làm và giao cho một công ty ở TP HCM thi công.
Trước khi làm đường hoa nghệ thuật, hội đồng gồm các ban ngành liên quan đã họp và thống nhất thông qua các mô hình trong đường hoa. Do năm nay năm Mậu Tuất nên mới làm mô hình chó đờn ca tài tử và đã được hội đồng thông qua".
Đờn ca tài tử đã hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19. Đây là loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam bộ hát sau những giờ lao động.
Họ diễn tấu có ban nhạc gồm các loại: đàn cò, đàn kìm, đàn tranh và tứ tuyệt (hay còn gọi là đàn bầu)…
Cùng với nghệ thuật đờn ca tài tử, đến nay Việt Nam đã có các loại hình được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, Dân ca quan họ Bắc Giang - Bắc Ninh, Ca trù, Lễ hội Thánh Gióng, Hát xoan và Lễ hội Hùng Vương.