Tranh cãi nội bộ liên tục, phương Tây có trừng phạt được Nga?

Xuân Mai |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 19-2 bác lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine về việc trừng phạt Nga ngay lúc này.

Lực lượng Ukraine tham gia các cuộc diễn tập chiến thuật ở một địa điểm không xác định tại Ukraine. Ảnh: Reuters

Lực lượng Ukraine tham gia các cuộc diễn tập chiến thuật ở một địa điểm không xác định tại Ukraine. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich thường niên ở Đức, ông Scholz nói rằng các đồng minh phương Tây đã "chuẩn bị tốt" để trừng phạt Nga nhanh chóng nếu nước này tấn công Ukraine.

Tuy nhiên, ông Scholz cho hay những biện pháp như thế nên được xem là lựa chọn cuối cùng với hy vọng tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho những căng thẳng đang diễn ra.

Ông Scholz không nói rõ những biện pháp trừng phạt tiềm năng nào áp đặt lên Nga nếu Nga tấn công Ukraine. Điều này trái ngược với các nhà lãnh đạo phương Tây khác, những người đã đưa ra tuyên bố cụ thể về việc Nga có thể bị thiệt hại kinh tế thế nào, nhất là khi các lệnh trừng phạt lên ngành năng lượng được thông qua.

Thủ tướng Scholz đưa ra bình luận trên sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhắc lại lời kêu gọi trừng phạt Nga khi cho rằng phương Tây nên dừng chính sách "xoa dịu" đối với Moscow. Ông Zelensky nói tại Hội nghị An ninh Munich: "Chúng tôi có quyền, quyền yêu cầu chuyển từ chính sách xoa dịu sang chính sách đảm bảo an ninh và hòa bình".

Trong khi đó, khi được hỏi về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 19-2 cho biết mọi thứ đang được thảo luận. Theo bà von der Leyen, biện pháp trừng phạt nhằm vào năng lượng Nga vẫn là một sự lựa chọn nếu nước này tấn công Ukraine.

Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% nguồn cung cấp khí đốt từ Gazprom, điều mà bà von der Leyen mô tả là "sự phụ thuộc không bền vững". Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói rằng bà đã tiếp cận thành công với các nhà cung cấp thay thế, chẳng hạn như Mỹ.

Bất đồng quan điểm, Thủ tướng Ý Mario Draghi lập luận rằng bất kỳ lệnh trừng phạt tiềm năng nào chống lại Nga không nên bao gồm nhập khẩu năng lượng. Ý là một trong những nước nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU).

Bà von der Leyen nói thêm bà đã trấn an ông Draghi rằng châu Âu sẽ nhận nguồn cung khí đốt từ nơi khác và có một mạng lưới đường ống xuyên lục địa để "mang lượng khí đốt cần thiết đến Ý, đảm bảo sự an toàn cho nước này".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ủng hộ việc Ủy ban châu Âu đã nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Ông Stoltenberg nói tại Hội nghị An ninh Munich: "Chúng ta cần bớt phụ thuộc vào năng lượng từ một nguồn, từ khí đốt Nga".

NATO sơ tán nhân viên

Một quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết liên minh quân sự này đã chuyển các nhân viên làm việc tại thủ đô Kiev của Ukraine đến TP Lviv, phía Tây nước này và tới Brussels nhằm đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, các văn phòng của NATO ở Ukraine vẫn tiếp tục hoạt động.

Một số nước phương Tây đã chuyển các nhà ngoại giao từ Kiev đến Lviv, nằm gần biên giới với Ba Lan, đề phòng hành động quân sự của Nga. "Mọi dấu hiệu cho thấy Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công chính thức chống lại Ukraine" – ông Stoltenberg cho biết hôm 19-2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại