Tranh cãi: loài khỉ đã “đi bè” cưỡi sóng, vượt đại dương trước con người hàng triệu năm?

Đạt Lê |

Nhiều bằng chứng về khảo cổ và địa chất cho thấy: con người không phải là sinh vật đầu tiên vượt biển khơi.

Chuyện gì đã xảy ra cách đây hàng chục triệu năm khiến khỉ vượt biển nhỉ? Không ai biết chính xác cả. Nhưng các bằng chứng về khoa học đã hé lộ nhiều chuyện thật ly kỳ.

Đầu tiên, chúng ta hãy tìm hiểu về các dấu mốc hình thành của loài linh trưởng:

- Cách đây 45 triệu năm, loài Eosimias xuất hiện ở Trung Quốc

- Cách đây 40 triệu năm, hậu duệ của Eosimias là loài Talahpithecus di chuyển đến châu Phi

- Cách đây 36 triệu năm, loài linh trưởng có mặt ở vùng Amazon, Nam Mỹ

- Cách đây 21 triệu năm, loài khỉ Cebidae bắt đầu phát triển ở Bắc Mỹ

Vấn đề là:

- Cách đây 45 triệu năm, châu Á và châu Phi cách nhau bởi Đại dương Tethys

Tranh cãi: loài khỉ đã “đi bè” cưỡi sóng, vượt đại dương trước con người hàng triệu năm? - Ảnh 1.

Bản đồ thế giới cách đây 50 triệu năm. Châu Phi và Nam Mỹ rõ ràng cách nhau bởi đại dương. Và nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy giữa châu Á – Phi hay Nam Mỹ - Bắc Mỹ cũng không dính liền với nhau.

- Châu Phi và Nam Phi thì đã tách nhau ra từ kỷ Phấn trắng cách đây 140 triệu năm rồi

- Bắc Mỹ và Nam Mỹ chỉ "dính liền" với nhau cách đây 3 triệu năm mà thôi, khi eo đất Panama bắt đầu nổi lên. Còn khoảng thời gian đằng đẵng trước đó, hai lục địa này cũng cách nhau... giữa muôn trùng khơi.

Nói tóm lại: Từ Trung Quốc, loài khỉ đã chu du đến tận Bắc Mỹ, nhưng chắc chắn không thể bằng đường bộ vì các lục địa này cách nhau giữa biển cả mênh mông.

Và khỉ đã vượt đại dương, không còn cách nào khác!

Thế nhưng những cá thể khỉ kia vượt trùng khơi bằng cái gì? Đó là 1 quãng đường không hề ngắn - cả trăm cây số xuyên qua Đại Tây Dương từ châu Phi đến Nam Mỹ. Và rồi sau đó chúng lại vượt biển từ Nam Mỹ đến Bắc Mỹ - làm thế nào đây?

Tranh cãi: loài khỉ đã “đi bè” cưỡi sóng, vượt đại dương trước con người hàng triệu năm? - Ảnh 2.

Khoa học đưa ra giả thiết

Khi 100 con khỉ sinh sống gần bờ phía Tây của châu Phi (giáp với Nam Mỹ), một thiên tai lớn bất thình lình đổ ập xuống.

Tranh cãi: loài khỉ đã “đi bè” cưỡi sóng, vượt đại dương trước con người hàng triệu năm? - Ảnh 3.

"Tấm bè" được cho là trông như thế này đây

Một cơn sóng thần hay trận bão cực mạnh đã cuốn bay cả thảm mặt đất xuống đại dương.

Việc đó tạo nên tấm thảm thực vật trôi nổi - "tấm bè" mà các con khỉ vô tình ngự trị trên đó để vượt biển!

Trên thực tế, bè làm bằng thảm thực vật không phải chuyện hy hữu. Nhiều năm trước đây, người ta từng quan sát được một thảm thực vật rộng 840m vuông trôi trên Đại Tây Dương xa đến tận 1.600km, nghĩa là chúng tồn tại một thời gian khá dài trước khi chìm xuống biển.

"Sỏi đá và rễ cây giữ cả hòn đảo mini thành một khối liền, với thảm thực vật phủ lên trên. Và đó còn là một tấm bè lý tưởng cho loài khỉ", nhà sinh vật học Alan de Queiroz đã nhận định như vậy.

Tranh cãi: loài khỉ đã “đi bè” cưỡi sóng, vượt đại dương trước con người hàng triệu năm? - Ảnh 4.

Còn nhà khoa học Alain Houle từ trường ĐH Montreal, Canada thì đi ước lượng khoảng thời gian cần thiết để vượt Đại Tây Dương bằng loại bè đặc biệt trên. Ông tính rằng hành trình từ châu Phi đến Nam Mỹ tốn khoảng 15 ngày.

Hành trình từ Nam Mỹ đến Bắc Mỹ (cách đây hàng chục triệu năm) cũng tốn thời gian tương tự.

Với ngần ấy thời gian, khỉ đã có thể sống sót nhờ... bản tính ăn tạp của mình.

Ông Houle nói thêm: "Giả sử khỉ tìm thấy được nước uống từ lá, rễ, quả, thậm chí là rễ cây và côn trùng thì chúng có thể sống khỏe trong 2 tuần lênh đênh trên biển. Nếu có mưa thì thời gian ấy còn kéo dài hơn nữa".

Những giả thuyết về chuyện khỉ vượt biển khá hợp lý nhưng cũng vấp phải không ít tranh cãi. Nhiều ý kiến phản bác cho rằng khỉ thực sự đã di chuyển bằng các "cây cầu đất liền" hay cả "lục địa di động" - thế nhưng những thuyết này đều không hợp lý về mặt địa chất.

Một số người khác lại nghĩ do chúng ta chưa có đủ bằng chứng hóa thạch, chứ không thể nào chấp nhận chuyện khỉ vượt biển vì quá khó tin!

Nhưng trên thực tế, linh trưởng là một trong những loài vật mà khảo cổ học tìm thấy nhiều mẫu hóa thạch nhất. Điều đó đã cho phép chúng ta có được bức tranh khá toàn diện về chúng.

Tranh cãi: loài khỉ đã “đi bè” cưỡi sóng, vượt đại dương trước con người hàng triệu năm? - Ảnh 6.

Loài khỉ Capuchins ở Nam Mỹ ngày nay

Ý tưởng khỉ vượt biển đến tận châu Mỹ dù kỳ quái nhưng lại được ủng hộ bằng môn khoa học địa chất. Khỉ cũng được cho là loài duy nhất bên cạnh con người đã "đi bè" trên đại dương, thực hiện những chuyến di dân vĩ đại trong lịch sử.

Nhà sinh vật học Queiroz đưa ra kết luận: "Rất có thể tất cả loài khỉ và vượn (bao gồm con người) đều là hậu duệ của loài linh trưởng cổ đã trải qua cuộc viễn du trên biển.

Sự tồn tại của chúng ta ngày nay chính là nhờ vào loài linh trưởng ấy cùng những tấm bè thực vật cách đây hàng chục triệu năm".

Nguồn: IFL Science

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại