Tranh cãi kế hoạch của Đức trở lại với điện hạt nhân

Hoàng Phạm |

Trong bối cảnh Đức phải tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, các chính trị gia nước này đang tranh cãi về việc tạm dừng kế hoạch loại bỏ điện hạt nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, điều này không dễ thực hiện.

Đức hiện chỉ còn 3 nhà máy điện hạt nhân vẫn đang hoạt động, theo dự kiến sẽ đóng cửa vào cuối năm nay. Ảnh: DPA

Đức hiện chỉ còn 3 nhà máy điện hạt nhân vẫn đang hoạt động, theo dự kiến sẽ đóng cửa vào cuối năm nay. Ảnh: DPA

Nước Đức đang tới gần một cuộc khủng hoảng năng lượng do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với Moscow vì xung đột ở Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner cảnh báo, Đức đang ở bên bờ vực “khủng hoảng kinh tế rất nghiêm trọng” và chính phủ cần phải tìm mọi cách để đảm bảo nguồn cung năng lượng.

Về vấn đề này, đảng Dân chủ Tự do (FDP) của bà Linder, đã kêu gọi dừng kế hoạch loại bỏ năng lượng hạt nhân của Đức. FDP đặt trọng tâm chính sách vào vấn đề kinh tế và là đảng nhỏ nhất trong liên minh cầm quyền cùng đảng Xanh và đảng Dân chủ Xã hội (SPD).

Sau khi đóng cửa một số nhà máy điện hạt nhân năm 2021, Đức hiện vẫn còn 3 nhà máy đang hoạt động, cung cấp 11% trong lưới điện quốc gia. Theo kế hoạch cả 3 nhà máy này sẽ bị đóng cửa vào cuối năm nay.

Đức tìm mọi cách thay thế năng lượng Nga

Khi tiến tới ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân trong thập kỷ qua, sự phụ thuộc của Đức vào các nguồn năng lượng của Nga ngày càng gia tăng. Hầu hết ngành công nghiệp nặng của Đức phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên, khoảng một nửa số hộ gia đình ở nước này cũng sử dụng khí đốt để sưởi ấm.

Đầu năm nay, khoảng 65% khí đốt tự nhiên ở Đức đến từ Nga. Hiện giờ, con số đó đã giảm xuống dưới 40%. Năm 2021, Đức nhập khẩu 53% lượng than đá cần thiết cho sản xuất điện và công nghiệp từ Nga, con số này sẽ giảm xuống 0 sau khi lệnh cấm trên toàn EU có hiệu lực vào tháng 8 tới.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, Berlin đang tìm cách lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt từ mức 60% hiện tại lên ít nhất 80% vào tháng 10 và đạt 100% trước mùa đông.

Kế hoạch này đã khiến Đức phải tìm đối tác mới để nhập khẩu khí đốt và tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng mặt trời cũng như năng lượng gió. Nhiều quan chức miễn cưỡng kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than, bất chấp cam kết sẽ loại bỏ hoàn toàn than đá vào năm 2030.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, các giải pháp nêu trên có thể chưa đủ. Nghị sỹ Torsten Herbst thuộc đảng FDP và Thủ hiến trung hữu bang Bavaria, ông Markus Söder, là 2 trong số những người đầu tiên đề nghị chính phủ Đức dỡ bỏ lệnh cấm đối với “fracking”, một phương pháp chiết xuất khí đá phiến phổ biến ở Mỹ nhưng gây nhiều tranh cãi về lượng khí metal rò rỉ vào mạch nước ngầm.

Là thành viên đảng Xanh, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck phản đối năng lượng hạt nhân cũng như fracking, tuy nhiên, ông ủng hộ việc sử dụng than đá trong tình hình hiện nay.

“Đó là điều cay đắng, nhưng vô cùng cần thiết trong tình hình phải giảm lượng tiêu thụ khí đốt hiện nay. Nếu chúng ta không làm vậy, các cơ sở có thể sẽ không dự trữ đủ lượng khí đốt cần thiết cho mùa đông năm nay”, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình ZDF ngày 21/6, ông Habeck nhấn mạnh kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ nhằm loại bỏ hoàn toàn than đá trong 8 năm tới vẫn sẽ được thực hiện.

Trong khi đó, ông Christian von Hirschhausen, chuyên gia về năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Đức, việc tăng cường sử dụng than đá chỉ là biện pháp tạm thời, trong bối cảnh nước Đức muốn tích lũy nguồn dự trữ khí đốt.

Đề cập giải pháp giúp ngăn chặn đứt gãy cung ứng năng lượng có thể xảy ra do các đòn trừng phạt nhằm vào Nga, nghị sĩ Marc Bernhard thuộc đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) từng nêu quan điểm: “Nếu chúng ta tái khởi động 3 nhà máy điện hạt nhân đã cho ngừng hoạt động hồi tháng 12/2021, kết hợp với 3 nhà máy đang vận hành, Đức có thể thay thế toàn bộ than nhập khẩu của Nga, hoặc tương đương với 30% khí đốt nhập khẩu từ Nga”.

Tranh cãi về điện hạt nhân

Việc sử dụng năng lượng hạt nhân như một giải pháp “xanh” thay thế cho các nhiên liệu hóa thạch là vấn đề gây tranh cãi ở Đức. Hàng chục năm qua, đảng Xanh cho rằng hiểm họa môi trường từ rác thải hạt nhân lớn hơn nhiều so với lợi ích mà điện hạt nhân mang lại.

Khi tham gia vào chính phủ liên minh dưới thời Thủ tướng Gerhard Schorder của đảng SPD năm 1998, đảng Xanh đã thành công thúc đẩy việc loại bỏ năng lượng hạt nhân.

Chính phủ bảo thủ sau đó dưới thời Thủ tướng Angela Merkel của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) đã lùi thời hạn loại bỏ năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, thảm họa Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản khiến chính quyền của bà Merkel thay đổi quan điểm và nghiêng về ủng hộ loại bỏ năng lượng hạt nhân.

Đảng CDU hiện là đảng đối lập lớn nhất tại Đức và đảng này cũng đã đề nghị hủy kế hoạch từ bỏ điện hạt nhân.

Việc để 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại tiếp tục hoạt động sau thời hạn cuối năm nay là “khả thi về kỹ thuật và pháp lý”, Chủ tịch CDU Friedrich Merz cho biết ngày 21/6.

Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz không đồng tình với quan điểm này và cho rằng sẽ rất khó cung cấp kịp thời các thanh nhiên liệu hạt nhân cần thiết. Đức cũng chưa có kế hoạch khả thi để nhanh chóng tăng sản lượng của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại– hiện chỉ cung cấp 11% điện năng toàn quốc.

Branchenverband Kernenergie, một tổ chức bảo trợ cho các doanh nghiệp năng lượng hạt nhân ở Đức, cho rằng việc gia hạn hoạt động có thể thực hiện, nhưng cần phải nhanh chóng đưa ra quyết định. Các nhà máy điện hạt nhân đang trong quá trình dần dần ngừng hoạt động. Càng chờ lâu, việc khởi động lại chúng sẽ càng khó khăn hơn.

Theo chuyên gia Hirschhausen, về mặt kỹ thuật và pháp lý, không thể đưa các nhà máy điện hạt nhân trở lại hoạt động. Không có cách nào để đảo ngược quá trình ngừng hoạt động trong 18 tháng tới, do thời gian đặt hàng, giao hàng và lắp đặt thiết bị cũng như chuẩn bị nguồn urani đã được làm giàu sẽ mất nhiều thời gian.

Ông Hirschhausen cho biết thêm, sẽ cần phải thực hiện một bộ tiêu chuẩn và kiểm tra an toàn mới để thay thế những tiêu chuẩn đã không được thực hiện trong nhiều năm do kế hoạch loại bỏ điện hạt nhân và các luật mới để quản lý việc sử dụng hạt nhân của các nhà máy điện./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại