Tranh cãi giữa cao tốc- Kiểu vô ý thức của phần lớn người Việt
Mỗi vụ tai nạn giao thông gây tổn thất về sinh mạng đều khiến người ta đau lòng; nhưng với vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) sáng 11/7, nỗi đau lại càng sâu hơn và gắn với sự phẫn nộ, chua chát, bất lực: Có tới 8 người thương vong lãng xẹt chỉ vì hành vi đứng giữa cao tốc cãi nhau sau va chạm.
Theo báo cáo từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), sau khi chiếc ô tô 16 chỗ va nhẹ vào đuôi xe bán tải đang chạy chậm để tránh chướng ngại vật phía trước, 3 người đàn ông xuống xe cãi nhau ngay giữa đường cao tốc, nơi xe cộ được phép chạy tới 120km/h. Trong khi họ mải cãi cọ, một chiếc xe con lao tới, tông mạnh vào đuôi xe 16 chỗ. Hai trong số 3 người đứng cãi nhau trước mũi xe này chết tại chỗ, 6 người khác bị thương.
Phần lỗi của mỗi bên trong vụ tai nạn kinh hoàng này sẽ được cảnh sát điều tra và phân tích, nhưng có một điều mà bất cứ ai cũng nhận biết được: Nếu mấy người đó không đứng giữa cao tốc mà cãi nhau, hậu quả đã không thảm khốc đến mức ấy.
Hai mạng người là cái giá quá đắt cho bài học an toàn giao thông mà thực ra mỗi người đã được học miễn phí vô số lần qua những khuyến cáo hay tài liệu công khai, nhưng chẳng thèm để ý. Mọi kiến thức về an toàn bị người ta ném qua một bên khi một thói xấu cố hữu của người Việt phát tác: Hễ đụng xe là hai bên lao xuống to tiếng, hùng hổ với nhau, bất chấp việc xe cộ vẫn đang ầm ầm qua lại, chẳng cần quan tâm đến việc mình có đang cản trở giao thông hay không, hoặc tệ hơn là chẳng thèm biết bản thân có đang gặp nguy hiểm hay không.
lao tới, tông mạnh vào đuôi xe 16 chỗ. Hai trong số 3 người đàn ông đứng cãi nhau trước mũi xe này chết tại chỗ, 6 người khác bị thương.
Người ta đứng giữa cao tốc cãi nhau như đứng giữa đường làng, như thể toàn bộ không gian xung quanh đều là “bên bờ ao nhà mình”. Cái kiểu vô ý thức trong giao thông như vậy có lẽ chỉ tồn tại ở người Việt, và đáng buồn hơn là ở số đông người Việt.
Sự vô ý thức này bắt nguồn từ thói tùy tiện, bừa bãi và ích kỷ, hễ lái xe đi trên đường là chỉ biết đến mình; có va chạm thì dù đúng hay sai cũng cứ to mồm cãi vã, gây thanh thế để trấn áp đối phương, cốt sao giành phần thắng về mình. Đứng giữa đường cãi nhau, ai cũng biết rõ là mình đang cản trở giao thông, nhưng vì ích kỷ nên mặc kệ. Nhưng khi đứng cãi nhau ngay giữa cao tốc, thói tuỳ tiện khiến họ quên mất là chính mình có thể trở thành nạn nhân.
Không chỉ là biểu hiện vô ý thức, coi thường luật giao thông, hành vi đứng cãi nhau giữa cao tốc còn là bằng chứng của sự thiếu hiểu biết. Cao tốc là nơi xe cộ được phép phóng với tốc độ cao, thậm chí không được chạy dưới tốc độ tối thiểu; mỗi vật bất động trên đường đều rất dễ dàng bị xe đi qua tông vào, cán nát hoặc hất văng. Đó là lý do người ta thiết kế phần đường dành cho việc dừng, đỗ xe; tài xế sẽ đưa xe vào đó mới dừng để đảm bảo người và xe không bị những phương tiện đi qua tông phải.
Trong những trường hợp bất khả kháng khiến xe dừng giữa đường, người ta phải nhanh chóng ra khỏi làn xe chạy càng nhanh càng tốt, không di chuyển được xe thì con người phải ra khỏi khu vực nguy hiểm đã, rồi có phân bua, cãi cọ gì thì tính sau.
Cái khác biệt giữa cao tốc và đường làng, đường trong thành phố không chỉ là vận tốc tối đa cho phép. Chính đặc thù về tốc độ ấy kéo theo nhiều quy định, quy tắc an toàn mà tài xế và những người ngồi trên xe phải tuân thủ.
Sự phát triển của đường cao tốc và số lượng ô tô lưu hành là một dấu hiệu của mức sống cao cũng như trình độ văn minh. Nhưng đáng buồn là ý thức, văn hóa giao thông của nhiều người lại không kịp phát triển tương ứng. Khi người ta mang theo ý thức ao làng lên cao tốc, hậu quả không chỉ là sự xuất hiện những tình huống phản cảm mà còn là sự tổn thất về sinh mạng con người - loại tổn thất không thể nào bù đắp.
Người chết không thể sống lại, chỉ mong vụ tai nạn đau thương trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giúp thức tỉnh mỗi người, trong mọi trường hợp phải tuân thủ các quy định về giao thông, đừng để vì vài phút sai lầm mà người thân của mình phải đội lên đầu vành khăn trắng.