Ngày 3/7, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên họp xem xét đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) yêu cầu hủy bỏ quyết định bãi nhiệm bà khỏi vị trí người đại diện theo pháp luật Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC).
Khoảng 7h30, đại diện pháp luật của cả hai bên đều có mặt tại khuôn viên tòa án. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đóng vai trò người có quyền và nghĩa vụ liên quan nhưng không đến phiên xử. Phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng chỉ có luật sư và đại diện ủy quyền.
Bà Thảo ủy quyền cho ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng làm đại diện ủy quyền. Luật sư Trương Trọng Nghĩa và luật sư Nguyễn Hồng Hà là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà Thảo. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ ủy quyền cho ông Nguyễn Duy Phước, luật sư Trương Thị Hòa tham gia bảo vệ quyền lợi cho ông.
Phiên họp giải quyết tranh chấp quyền điều hành Trung Nguyên IC.
Trước phiên tòa, ông Đăng Ngọc Hoàng Hưng (người đại diện của bà Thảo) có nộp cho tòa đơn để nghị thu thập tài liệu chứng cứ, đơn đề nghị triệu tập người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và đơn đề nghị giám định.
Phát biểu quan điểm, luật sư Phạm Công Hùng (bảo vệ quyền và lợi ích của bà Lê Hoàng Diệp Thảo) yêu cầu xem xét giám định một số tài liệu liên quan Trung Nguyên IC. Đồng thời luật sư Hùng đề nghị hoãn phiên xử để triệu tập một số người liên quan. Trong đó, luật sư Hùng đề nghị triệu tập đại diện Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương.
Bảo vệ cho quyền và lợi ích của Trung Nguyên IC, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng bà Lê Hoàng Diệp Thảo chỉ nắm 5% cổ phần tại công ty nên không có quyền yêu cầu khởi kiện các quyết định của hội đồng cổ đông. Nữ luật sư đề nghị tòa đình chỉ vụ án, không giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tương tự, luật sư Bùi Quang Nghiêm không chấp nhận việc chuyển hay hoãn phiên tòa. Luật sư cho rằng động thái này của phía nguyên đơn là nhằm mục đích tiếp tục kéo dài thêm vụ án.
"Đề nghị chủ tọa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời xem xét tư cách của người yêu cầu khởi kiện trước khi xem xét nội dung chủ kiện. Nếu người yêu cầu khởi kiện không đủ tư cách khởi kiện thì không cần thiết xem xét nội dung khởi kiện", luật sư Nghiêm nói.
Luật sư Phạm Công Hùng phát biểu quan điểm tại phiên xử.
"Không thể nhìn vào giấy đăng ký kinh doanh để nói bà Thảo có bao nhiêu cổ phần. Khi chuyển đổi từ Công ty TNHH sang Công ty CP, tỷ lệ bà Thảo chiếm 12,5% chứ không phải 5% như nhận thức phía ông Vũ. Nếu tính từ ngày ban hành nghị quyết là một nhận thức sai lầm", luật sư Hoàng Anh Tuấn (luật sư của bà Lê Hoàng Diệp Thảo) nói.
Trình bày quan điểm, đại diện VKS cho biết, về đơn khiếu nại để nghị chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra thì qua phiên tòa này mới xem xét, không thuộc phạm vi kiến nghị của bà Thảo. Hiện văn bản của ông Hưng nộp chưa có hiệu lực, nếu chuyển vụ án thì phải do chánh án ủy quyền.
Đối với đơn đề nghị thu thập chứng cứ, nghị triệu tập đại diện Phòng đăng ký kinh doanh, VKS thấy không phù hợp và không có cơ sở. Còn về yêu cầu giám định thì cơ quan công tố cho rằng tại phiên họp sẽ xem xét.
Hiện chủ tọa phiên họp đang tạm nghỉ để xem xét các yêu cầu khởi kiện.
Theo nội dung vụ kiện, hồi tháng 11/2015, Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) bãi nhiệm chức Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo. Đến tháng 3/2016, Trung Nguyên IC tổ chức họp Hội đồng quản trị tiếp tục bãi nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của bà Thảo tại công ty này.
Ngày 21/4/2016, Trung Nguyên IC làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương để thay đổi nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 8 từ bà Thảo sang ông Vũ. Không đồng ý, bà Thảo kiện ra TAND tỉnh Bình Dương, yêu cầu hủy bỏ quyết định của Trung Nguyên IC vì cho là trái pháp luật và điều lệ công ty.
Luật sư Trương Thị Hòa tham gia bảo vệ cho quyền lợi của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Ngày 22/7/2016, TAND tỉnh Bình Dương ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do cần đợi kết quả giải quyết vụ án hành chính của TAND tỉnh Bình Dương về việc yêu cầu hủy quyết định hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh.
Ngày 30/10/2017, TAND tỉnh Bình Dương ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án. Bởi TAND Cấp cao tại TPHCM đã xét xử phúc thẩm vụ án hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh.
Ngày 10/11/2017, tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo đó, tòa buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ và công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên chưa áp dụng giấy phép đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 8 do Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương cấp cho Trung Nguyên IC về việc thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Cụ thể, sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) và công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên tiến hành khiếu nại quyết định trên của tòa. Sau khi xem xét yêu cầu của ông Vũ và những người liên quan thì tòa ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Hồi cuối năm ngoái, TAND tỉnh Bình Dương tạm ngưng giải quyết vụ việc, theo đề nghị của bà Thảo, để giám định một số tài liệu bị cho là có dấu hiệu làm giả.