Tranh cãi gay gắt quyền sở hữu giữa đạo diễn Việt Tú với công ty của "chúa đảo" Tuần Châu

Hoàng Đan |

Sau hơn 5h xét xử, TAND Hà Nội vẫn chưa đưa ra phán quyết trong vụ kiện bản quyền giữa công ty của "chúa đảo Tuần Châu" và đạo diễn Việt Tú.

Vì sao công ty của "chúa đảo Tuần Châu" kiện công ty của Việt Tú?

Chiều 14/3, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ kiện kinh doanh thương mại giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội (thuộc Tập đoàn Tuần Châu của ông Đào Hồng Tuyển) và bị đơn là Công ty DS do đạo diễn Việt Tú làm Tổng giám đốc.

Trong hơn 5 tiếng diễn ra, không khí phiên tòa khá căng thẳng trong các phần tranh luận giữa hai bên. Hội đồng xét xử đã phải nhiều lần yêu cầu hai bên phải tôn trọng nhau, không được dùng những câu hỏi và câu trả lời để mạt sát hay công kích nhau.

Trình bày tại tòa, đại diện Tuần Châu Hà Nội cho hay, ngày 16/11/2015 giữa Tuần Châu và DS ký hợp đồng trị giá hơn 7,3 tỷ đồng xây dựng vở diễn "Ngày xưa".

Tuần Châu Hà Nội đã thanh toán theo tiến độ hợp đồng và hoàn tất mọi thỏa thuận vào năm 2017. Doanh nghiệp còn thanh toán nhiều chi phí (nhân sự, trang phục)... tới hơn 5,9 tỷ đồng.

Nguyên đơn cho rằng trong thời gian thực hiện hợp đồng, DS đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng, gây ảnh hưởng quyền lợi ích hợp pháp của Tuần Châu Hà Nội.

Vở diễn do Tuần Châu Hà Nội đầu tư tiền và tâm huyết nên công ty phải được sở hữu quyền tác giả. Phía DS đã xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu này bằng việc "tự ý đăng ký bản quyền", kê khai thông tin tác giả là đạo diễn Việt Tú, chủ sở hữu là DS.

"DS không hoàn thành nhiệm vụ được giao, không nghiệm thu đầu ra, không hợp tác. Tuần Châu Hà Nội yêu cầu DS trả lại vở diễn, bồi thường hơn 6,07 tỷ đồng vì phải đầu tư xây dựng vở diễn mới bù vào và chi phí thuê luật sư", người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn nêu trước tòa.

Phía đạo diễn Việt Tú bác bỏ mọi cáo buộc từ phía Tuần Châu Hà Nội và khẳng định, ý tưởng cho vở "Ngày xưa" được Việt Tú thai ngén từ năm 2009, 2010.

Đại diện bị đơn nêu về việc có những tài liệu cũng như những nghệ sĩ có thể chứng minh được điều này. Khi ký hợp đồng, phía Tuần Châu chỉ yêu cầu anh "làm một cái gì đó có thể bán được vé".

Đạo diễn Việt Tú khẳng định, trong quá trình tạo dựng vở "Ngày xưa", anh nhiều lần email đề nghị và hướng dẫn phía Tuần Châu cùng đi đăng ký quyền tác giả cho vở diễn. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư không phối hợp.

Vì trong hợp đồng đã ký kết, đạo diễn Việt Tú phải chịu toàn bộ trách nhiệm về tính pháp lý của tác phẩm. Nếu phát hiện đó là tác phẩm sao chép hoặc đã bị ai đó đăng ký bản quyền trước, người đứng đầu công ty DS sẽ phải bồi thường số tiền rất lớn.

Theo DS, tháng 6/2017 khi hợp đồng còn hiệu lực, Tuần Châu Hà Nội thuê một công ty khác sáng tác dàn dựng vở diễn tương tự với tên gọi "Tinh hoa Bắc Bộ", sao chép nội dung cốt lõi, hạ tầng được xây dựng của "Ngày xưa" - vi phạm quy định về độc quyền theo hợp đồng.

Điều này cho thấy Tuần Châu Hà Nội đã xâm phạm quyền tác giả, sao chép khi chưa có sự đồng ý của tác giả và công ty sở hữu.

Theo phía đạo diễn Việt Tú, khi quảng bá cho vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ, Tuần Châu cũng đã sử dụng trailer của vở diễn "Ngày xưa".

Tranh cãi gay gắt quyền sở hữu giữa đạo diễn Việt Tú với công ty của chúa đảo Tuần Châu - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên tòa.

DS đề nghị HĐXX bác mọi yêu cầu của phía nguyên đơn và công nhận "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh của "Ngày xưa".

Bị đơn cho rằng Tuần Châu Hà Nội đã vi phạm điều khoản độc quyền ký với DS, gây thiệt hại nên phải bồi thường 6,3 tỷ đồng (tính theo doanh thu 10% của vở "Tinh hoa Bắc Bộ").

Trước những bằng chứng mà phía đạo diễn Việt Tú đưa ra, đại diện của Tuần Châu Hà Nội từ chối trả lời với lý do không có trong tay hợp đồng lao động với các diễn viên và bị ràng buộc bởi những điều khoản bảo mật trong hợp đồng với đơn vị thực hiện vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ".

Một số câu hỏi khác, phía Tuần Châu Hà Nội cũng từ chối trả lời do liên quan bí mật kinh doanh.

"Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh

Tại phiên tòa, HĐXX công bố việc đã trưng ra bản đánh giá từ Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam để phục vụ việc xét xử. 

Chủ tọa phiên tòa cho biết, ngày 3/1/2018, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã thành lập hội đồng thẩm định để xem xét 2 vở thực cảnh "Ngày xưa" và "Tinh hoa Bắc Bộ" dựa trên kịch bản, video quay, bản vẽ, thiết kế 3D, ý tưởng nghiên cứu ban đầu về xây dựng cơ sở hạ tầng…của cả 2 vở.

Trên cơ sở đó, hội đồng thẩm định đưa ra kết luận vở "Tinh hoa Bắc Bộ" có nhiều điểm giống nhau về cơ bản với vở "Ngày xưa".

Trong trường hợp một vở có sau mà có sự giống nhau như vậy thì ở góc độ sân khấu, vở đó không thể coi là sáng tạo nghệ thuật độc lập mà chỉ được coi là vở diễn "phái sinh".

Đến gần 19h, sau gần 5h diễn ra phiên tòa, HĐXX đã mời đại diện VKSND Hà Nội nêu quan điểm về vụ việc này.

Theo đại diện VKS, vở diễn "Ngày xưa" là kết quả của việc thực hiện hộp đồng giữa Công ty Tuần Châu Hà Nội và DS.

Nguyên đơn không không trực tiếp sáng tạo sản phẩm hay một phần tác phẩm nên ông Việt Tú là tác giả vở diễn. Nhà đầu tư nắm quyền sở hữu. Việc DS đăng ký quyền tác giả cho Việt Tú là phù hợp, nhưng cùng mang tên là trái quy định.

Đại diện VKS, việc thuê đơn vị khác dàn dựng vở diễn thay thế là lựa chọn của Tuần Châu Hà Nội. Điều này cũng không phải là hệ quả do DS vi phạm hợp đồng, vì thế nguyên đơn không có căn cứ buộc DS bồi thường 5,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu vở diễn nên có quyền làm tác phẩm phái sinh, không liên quan đến DS.

Cơ quan công tố đánh giá, việc DS yêu cầu Tuần Châu Hà Nội bồi thường 6,3 tỷ đồng là không có căn cứ, đề nghị tòa không chấp nhận nội dung này.

Đến hơn 19h, HĐXX tuyên bố vào nghị án, tuy nhiên, do vụ việc có nhiều tình tiết và thời gian nghị án kéo dài nên dự kiến tòa án sẽ tuyên án vào ngày 20/3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại