Trắng tay vì đại dịch, ông chủ nhà hàng Ấn "top 1 Tripadvisor" ở Đà Nẵng lao đao khi những đồng tiền tiết kiệm đang dần vơi bớt

Minh Đức |

Đóng cửa nhà hàng ở Đà Nẵng để chuyển đến Tuy Hoà làm giáo viên tiếng Anh, giờ đây, cuộc sống của anh Ritesh Negi (Ritz) chưa biết sẽ ra sao khi các lớp học cũng đang phải đóng cửa do dịch bệnh.

“Tôi phải gọi điện về nhà cho gia đình vào lúc 9:00, nên nếu được mình nói chuyện từ 8:00 tối nhé?”, anh Ritesh Negi nhắn cho tôi trên Facebook. 

Ở thời điểm đại dịch khiến cả nước lao đao, những cuộc phỏng vấn trực tiếp phải nhường lại cho các cuộc điện thoại đường dài. Ritesh Negi đang ở thành phố Tuy Hòa, Phú Yên.

Chỉ vài ngày trước đây thôi, thành phố cũng tiến hành giãn cách xã hội. Với những người dân địa phương, thời gian phải ở nhà đã chật vật. Người nước ngoài như anh Ritz còn khó khăn hơn nhiều khi việc tiếp cận các thông tin còn hạn chế, không có nhiều người thân quen, họ hàng tại đây.

Anh khoe nồi cà-ri mới nấu, món ăn in đậm dấu ấn hương vị quê nhà Ấn Độ. Nhập gia tùy tục, đĩa cà ri ngày dịch vẫn có các nguyên liệu của cả Việt Nam và Ấn Độ.

Người đàn ông 35 tuổi cười nói, anh không “ngán” thứ gì ở Việt Nam, kể cả nước mắm, chỉ có thịt chó là sẽ không bao giờ đụng tới. 

10 năm ở Việt Nam, Ritz đã quen với cuộc sống nơi đây. Anh đã chu du từ Sài Gòn, Tiền Giang, Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng… và điểm dừng hiện tại ở thành phố Tuy Hòa. Nói tiếng Việt đủ sõi, anh hỏi.

“Giờ mình phỏng vấn bằng tiếng Việt hay tiếng Anh hả em?”

“Cả hai đi anh.”

Bỏ làm cầu thủ bóng đá, đến Việt Nam dạy học

Ritz lật mở từng bức hình trong cuốn album ghi lại những bằng khen, giấy chứng nhận các giải bóng đá, các câu lạc bộ anh từng tham gia khi còn ở Ấn Độ.

Tốt nghiệp ngành giáo dục thể thao đại học Kurukshetra tại thành phố Chandigarh, bang Punjab Ấn Độ, Ritz đã từng có thời gian miệt mài trên sân cỏ tại Ấn Độ. Ritz đã thử sức cho nhiều câu lạc bộ, trong đó có cả các câu lạc bộ quốc gia như INFC và Garhwal FC tại thành phố New Delhi - thủ đô Ấn Độ.

Trắng tay vì đại dịch, ông chủ nhà hàng Ấn top 1 Tripadvisor ở Đà Nẵng lao đao khi những đồng tiền tiết kiệm đang dần vơi bớt - Ảnh 1.

Bài viết trên báo giấy được anh Ritz cắt ra, đóng khung cẩn thận

Anh giữ cẩn thận từng tấm giấy chứng nhận, có cả một bài viết trên báo giấy về anh được cắt ra, đóng khung cẩn thận. Nhưng sự nghiệp bóng đá ở đất nước hơn tỷ dân không phải một con đường dễ đi. Hoa hồng chỉ trải cho vài cá nhân cực kỳ xuất sắc.

Biết rằng con đường đó không dễ dàng gì với mình, Ritz quyết định dừng sự nghiệp túc cầu lại, theo đuổi con đường sư phạm. Đam mê dẫn lối anh tới một hướng đi khác: Dạy tiếng Anh.

Thời điểm những năm 2010, 2011, các trung tâm tiếng Anh trong nước bắt đầu được mở ra càng nhiều hơn, kéo theo nhu cầu cần tuyển giáo viên người nước ngoài dạy học lớn. Rời quê hương Ấn Độ, Ritz tới Việt Nam và bắt đầu việc dạy học tiếng Anh.

Công việc chưa bao giờ dễ dàng với Ritz, không phải vì năng lực tiếng Anh của anh không tốt.

Nếu chỉ nghe Ritz nói chuyện, không phải ai cũng đoán ra anh đến từ Ấn Độ qua ngữ điệu đặc trưng của đất nước Nam Á này. Tuy nhiên, các trung tâm tiếng Anh vẫn chuộng những anh Tây "da trắng mắt xanh". Anh Ritz tâm sự.

Trắng tay vì đại dịch, ông chủ nhà hàng Ấn top 1 Tripadvisor ở Đà Nẵng lao đao khi những đồng tiền tiết kiệm đang dần vơi bớt - Ảnh 2.

Ritz tới Việt Nam và bắt đầu việc dạy học tiếng Anh

“Đi dạy học cũng có những thời điểm khó khăn, đặc biệt là giai đoạn năm 2014-2016. Thời điểm này, các bạn Tây balo da trắng ồ ạt tới Việt Nam. Các chính sách miễn visa cộng với môi trường sống thoải mái đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho người nước ngoài.

Nhiều người không có bằng cấp sư phạm, thậm chí chỉ mới tốt nghiệp cấp ba nhưng vì tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ nên tìm việc chẳng khó. Ở trung tâm anh làm có một bạn người Canada, tuy mới tốt nghiệp cấp ba, mới vào làm đã có mức lương ngang những người làm lâu. Công việc của mình vì thế cũng khó khăn hơn.”

Học sinh yêu mến Ritz vì anh nói tiếng Anh dễ hiểu và có chuyên môn sư phạm. Ritz cũng đã có chứng chỉ TESOL và hiện đang theo học chương trình TEFL - Chứng chỉ dạy tiếng Anh cho người nước ngoài.

Trắng tay vì đại dịch, ông chủ nhà hàng Ấn top 1 Tripadvisor ở Đà Nẵng lao đao khi những đồng tiền tiết kiệm đang dần vơi bớt - Ảnh 3.

Học sinh yêu mến Ritz vì anh nói tiếng Anh dễ hiểu và có chuyên môn sư phạm

“Cũng đã có 6-7 lần anh bị trung tâm tiếng Anh từ chối vì mình không phải là người nói tiếng Anh bản xứ. Tuy nhiên nếu trung tâm nào đồng ý phỏng vấn và cho mình dạy thử thì đều phản hồi tốt. 

Thành ra mỗi lần gửi hồ sơ xin việc, anh sẽ gửi luôn cả một video giới thiệu bản thân để người ta không gạt hồ sơ của mình chỉ bởi nhìn quốc tịch.”

Suốt hơn 10 năm ở Việt Nam, anh Ritz cũng đã gắn bó với nghề dạy học hơn 7 năm, 3 trung tâm tiếng Anh lớn và rất nhiều các cơ sở, trường học ngắn hạn khác.

Đến tháng 11/2017, Ritz quyết định thử sức mình với một lĩnh vực mới: Mở nhà hàng. Anh chuyển tới thành phố Đà Nẵng, nơi anh thử sức với một nhà hàng Ấn Độ nho nhỏ và tiếp tục với công việc dạy học tiếng Anh.

Ông chủ nhà hàng top 1 Tripadvisor

Giọng anh Ritz đầy tự hào nhưng cũng đôi chút ngậm ngùi khi nhắc tới nhà hàng Ấn Độ trước đây ở thành phố Đà Nẵng.

Vedas kitchen - cái tên thôi đã khiến người ta nghĩ tới một nhà hàng Ấn Độ. Hồi đó, sau nhiều năm tích góp với nghề dạy học, anh có 300 triệu trong tay để mở một nhà hàng nhỏ xinh tại thành phố biển.

Trắng tay vì đại dịch, ông chủ nhà hàng Ấn top 1 Tripadvisor ở Đà Nẵng lao đao khi những đồng tiền tiết kiệm đang dần vơi bớt - Ảnh 4.

Nhà hàng Vedas kitchen của anh Ritz tại Đà Nẵng

“Nhà hàng của anh hồi đó nằm trong top các nhà hàng Ấn Độ ở thành phố Đà Nẵng luôn đấy. Ban đầu mở nhà hàng, anh chỉ có 1 đầu bếp thôi nhưng vào thời điểm làm ăn phát đạt nhất, nhà hàng anh có 4 đầu bếp trong đó có 3 đầu bếp là người Ấn Độ, 15 nhân viên thay phiên nhau ca sáng tối.

Tuy là nhà hàng nhỏ với công suất chỉ khoảng 30 người nhưng lợi nhuận tháng nào cũng tốt, sau khi trừ đi các chi phí. Hồi đó anh còn mua được xe ô tô, cuộc sống sung túc đủ đầy.”

Những ngày nhà hàng còn hoạt động, nhiều người bạn bè của Ritz thường đùa rằng, không biết anh là ông chủ hay bảo vệ nữa. Ritz luôn là người mở cửa hàng sớm nhất và cũng là người ra về muộn nhất.

“Hồi đấy mình cũng hay giúp mọi người, mỗi tuần vẫn có một buổi để tặng đồ ăn miễn phí. Có người từng mượn nợ mình mà tới giờ vẫn chưa trả, coi như mất.”

Trắng tay vì đại dịch, ông chủ nhà hàng Ấn top 1 Tripadvisor ở Đà Nẵng lao đao khi những đồng tiền tiết kiệm đang dần vơi bớt - Ảnh 5.

Đến tháng 11/2020, sau những lần quay quắt vì dịch bệnh, Ritz phải đóng cửa nhà hàng vì không kham nổi.

Nhà hàng không có khách, công việc làm ăn bên ngoài thua lỗ. Ngày quán đóng cửa, những người đầu bếp Ấn Độ từng theo anh sang Việt Nam bịn rịn không muốn về nước. Họ tìm công việc ở các nhà hàng khác, hẹn khi nào Ritz mở lại nhà hàng sẽ quay về cùng anh.

Từ ông chủ nhà hàng, anh quay lại với công việc dạy học. Rời Đà Nẵng, Ritz tìm đến thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nơi cuộc sống yên bình hơn với anh. Gần như tay trắng sau mùa dịch lần thứ nhất, Ritz chỉ còn vỏn vẹn 4-5 triệu đồng trong ví.

Nhưng đó chưa phải kết thúc đợt dịch tại Việt Nam.

Những ngày Tuy Hòa giãn cách xã hội

Một ngày mới ở thành phố biển của Ritz bắt đầu lúc 6:30. Anh có giờ dạy IELTS cho một trường đại học vào lúc 7:00, cách nhà anh chỉ 3 phút lái xe. Dạy người lớn xong xuôi, anh quay về với lớp mầm non, từ sáng cho đến chiều tối.

Tan tầm trở về nhà, có những ngày Ritz sẽ mua đồ ăn ở ngoài, có những ngày sẽ nấu cà-ri. Những ngày trong tuần cứ trôi qua yên ả như vậy còn Chủ nhật là thời gian để nghỉ ngơi. Anh không muốn làm việc vào cuối tuần.

Nhưng cuộc sống như vậy chỉ kéo dài từ cuối năm 2020 đến khoảng đầu năm 2021.

Kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/04 tại Việt Nam cũng là lúc công việc của anh với trường mầm non tại Tuy Hòa dừng lại. Thành phố Tuy Hòa “sướng trước, khổ sau” khi ban đầu không có ca nhiễm Covid nào, mãi cho tới thời gian gần đây khi đại dịch bùng phát mạnh tại miền Nam.

Những buổi lên lớp với học viên đại học kết thúc. Các lớp mầm non cũng đã nghỉ. Không lớp học trực tiếp, giờ lớp học online cũng không có.

Ngày làm việc cuối cùng 29/04, Ritz không biết rằng sau đó sẽ như thế nào.

Những đồng tiền tiết kiệm đang dần vơi bớt. Ritz đang nỗ lực rải hồ sơ xin việc trước khi năm học mới bắt đầu. Anh muốn ra Hà Nội, tìm kiếm cơ hội tại thành phố này khi dịch vẫn được kiểm soát tại đây.

Một cuộc phỏng vấn đang chờ Ritz vào thứ Sáu. Anh hồi hộp và lo lắng. Không phải lần đầu tiên phỏng vấn xin việc nhưng chưa bao giờ mọi thứ khó khăn như thế này.

Nghĩ về tương lai xa, anh Ritz nói.

“Tôi rất muốn mở lại nhà hàng sau đại dịch nếu có thể tiết kiệm đủ hoặc tìm được nhà đầu tư. Ở thời điểm hiện tại, tôi không nghĩ mình có thể tiết kiệm đủ để quay lại với nhà hàng. Đại dịch đẩy mọi người tới đường cùng. Nhiều người bạn phi công của tôi cũng mất việc. Khó khăn chẳng trừ ai ra cả.

Đã ở Việt Nam 10 năm, tôi không muốn rời khỏi bây giờ. Việt Nam đã cho tôi nhiều thứ và còn nhiều điều tôi muốn làm ở đây.”

Mở lại nhà hàng, có lẽ là một câu chuyện ở tương lai. Còn ngay lúc này, anh sẽ bắt đầu lại từ đầu, với việc dạy học.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại