(Ảnh minh hoạ)
Đợi chờ vô vọng khi mua nhà tiền tỷ trên giấy
Chị Minh (TP.HCM) mua căn chung cư qua đơn vị môi giới năm 2020 với mức giá hơn 2 tỷ đồng. Số tiền sẽ được trả dần theo tiến độ. Đến nay, chị Minh đã đóng tới gần 2 tỷ đồng nhưng vẫn chưa nhận được nhà ở.
Theo chị Minh, dự án mà chị mua từng bị dừng thi công do thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng tình trạng bị trì hoãn hoàn thành công trình vẫn kéo dài đến hiện tại. Điều đáng nói, đây là một trong dự án nằm trong danh sách công trình không đáp ứng đúng điều kiện làm nhà ở thương mại. Nếu dự án không nằm trong diện xử lý thì chị Minh có nguy cơ mất trắng tiền tỷ.
Một điều khác mà chị Minh cũng lo ngại, đó là chủ đầu tư không có đủ năng lực tài chính để hoàn thiện công trình. Nếu như vậy, chị Minh và rất nhiều người mua căn hộ trên giấy tại dự án này có thể sẽ phải mòn mỏi đợi chờ hoặc chấp nhận mất số tiền đã bỏ ra mua nhà ban đầu.
“Đợi chờ trong vô vọng” là những chia sẻ của chị Ngọc Anh (đến từ Hà Nội) khi cũng bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để mua căn shophouse tại một dự án được quảng cáo là “khu đô thị thị thịnh vượng, sầm uất”. Năm 2019, trong chuyến công tác tại TP.HCM, chị được môi giới chào bán căn shophouse nằm trong khu đô thị lung linh.
Trên ảnh 3D quảng cáo và thông tin bản vẽ quy hoạch, chị Ngọc Anh khá ưng ý vì thấy tiềm năng tăng giá, và phù hợp với lựa chọn ở. Theo môi giới, nếu ký hợp đồng mua bán sớm, chị sẽ được mua với giá rẻ, nhiều ưu đãi. Dự án cam kết 18 tháng hoàn thành. Nhưng, đến nay, dù bỏ ra hơn 3 tỷ đồng cho 85% giá trị căn shophouse, chị Ngọc Anh vẫn chưa nhận được nhà và cũng chưa được bàn giao sổ.
Rủi ro khi mua nhà trên giấy
Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way, không ít người dân thích mua nhà ở hình thành trong tương lai xuất phát từ lý do tài chính. Bởi khi mua dự án hình thành trong tương lai, khách hàng sẽ được trả số tiền ít hơn, trong khoảng thời gian dài hơn, được ưu đãi lãi suất cho đến khi nhận nhà. Đó là lý do người dân vẫn chọn cách mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Luật sư Hồi cũng cho rằng, đa phần các dự án bắt đầu triển khai sẽ có giá khởi điểm thấp hơn so với khi dự án hoàn thiện rồi. Nhiều người mua để đầu tư hơn là để ở.
“Khi chúng ta mua một sản phẩm chưa hiện hữu đương nhiên sẽ chịu nhiều rủi ro. Trong đó hai rủi ro lớn nhất liên quan đến tiến độ và chất lượng.
Về tiến độ, thời hạn thi công thông thường kéo dài khoảng 2 năm. Nhưng nếu vướng ở bất kì đâu như năng lực chủ đầu tư, nguồn vốn có vấn đề thì tiến độ có thể kéo dài, có dự án kéo dài cả chục năm trời.
Về chất lượng, những mô tả căn hộ chúng ta có thể nhìn thấy ở căn hộ mẫu, trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng khi mua nhà. Tuy nhiên nhiều chủ đầu tư "lách" bằng cách ghi không rõ ràng về các sản phẩm lắp đặt trong căn hộ. Ví dụ sản phẩm A của thương hiệu B hoặc tương đương. Tương đương là câu khá chung chung nên khi nhận nhà sản phẩm chất lượng có thể đạt không như mong muốn”.
Theo luật sư Hồi, tại Việt Nam, việc huy động vốn không chỉ chủ đầu tư có quyền huy động mà cả doanh nghiệp có quyền phân phối dự án cũng có thể làm việc này. Người mua bất động sản hình thành trong tương lai có thể hợp đồng thỏa thuận, góp vốn,… với đơn vị phân phối hay chủ đầu tư.
Tuy nhiên, các dự án này đều tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý rất lớn. Bởi với một dự án hoàn thiện, đủ điều kiện được xác nhận bởi Sở Xây dựng cấp phép mới có thể bàn giao và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, những dự án mới bước đầu được cấp chủ trương đầu tư dự án, thì chúng ta không thể biết rằng chủ đầu tư có triển khai được dự án trên thực tế hay không. Rủi ro nếu chủ đầu tư không thực hiện được dự án, khách hàng có nguy cơ không kí được hợp đồng và mất trắng số tiền đã đặt cọc.
“Với khách hàng, khi kí các hợp đồng giao kết như vậy khá phức tạp bởi họ không hiểu rằng, kí văn bản này bước tiếp theo là gì. Khi kí thời điểm này với giá này nhưng sau khi triển khai các điều khoản thương mại về giá, vị trí có thể thay đổi. Bởi các dự án triển khai ở những bước đầu tiên rất có thể thay đổi về quy mô, số căn hộ, hệ số sử dụng đất. Sau khi triển khai phát sinh các vấn đề thay đổi điều khoản thương mại, kí hợp đồng chính thức thì vẫn có thể thay đổi”, luật sư Hồi nói.