Đến rạng sáng 27-10, lực lượng cứu hộ động vật hoang dã của Thảo cầm viên Sài Gòn chỉ mới đưa được 16 cá thể rắn hổ mang chúa và 11 con tê tê java ra khỏi địa điểm tàng trữ thú rừng trái phép tại ấp 3, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, Bình Phước.
Cảnh sát môi trường kiểm đếm, đánh số các cá thể rắn hổ mang chúa để bàn giao cho cơ quan điều tra, công an huyện Lộc Ninh. Ảnh: TRUNG THANH
Theo kế hoạch, trong sáng nay, lực lượng cứu hộ sẽ tiếp tục đưa 52 cá thể khỉ đuôi dài về Thảo cầm viên Sài Gòn để chăm sóc, nuôi giữ tạm thời trong thời gian chờ cơ quan điều tra thực hiện các thủ tục pháp lý, xử lý vụ việc.
Theo xác định của C49B, 16 cá thể hổ mang chúa cân nặng hơn 42 kg, trong đó có một con rắn nặng hơn 7 kg. Ảnh: TRUNG THANH
Gần như suốt đêm hôm qua các lực lượng chức năng gồm Cục cảnh sát môi trường phía Nam, Kiểm lâm vùng 3, Cơ quan điều tra công an huyện Lộc Ninh, Viện kiếm sát nhân dân huyện Lộc Ninh, công an xã... phải thức trắng để tiến hành kiểm đếm số ĐVHD tàng trữ trái phép và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng liên quan.
Trong số ĐVHD nói trên có 16 cá thể rắn hổ mang chúa và 11 cá thể tê tê java được xác định thuộc nhóm nguy cấp quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Lực lượng cứu hộ đưa các ĐVHD quý hiếm nguy cấp về Sài Gòn vào rạng sáng 27-10. Ảnh: TRUNG THANH
Ngoài số ĐVHD quý hiếm nguy cấp nói trên, cơ quan chức năng còn phát hiện tại địa điểm trên đang tàng trữ hàng trăm kg rắn ri voi, hàng chục con kỳ đà hoa (mỗi con cân nặng trên 3kg), hàng trăm kg rùa các loại.
Những con khỉ đuôi dài đang chờ được giải cứu. Chủ hộ nuôi cho biết, số khỉ này được mua từ Đồng Tháp. Theo giấy tờ, chủ hộ mua 30 con khỉ nhưng trên thực tế có đến 52 con. Ảnh: TRUNG THANH
Qua đối chiếu sổ sách của kiểm lâm, có một lượng lớn ĐVHD không nằm trong số lượng động vật được phép nuôi tại đây.
Theo nhận định của nhiều cán bộ tham gia xử lý vụ việc nói trên, nhiều khả năng chủ hộ trên xin giấy phép gây nuôi một số loài động vật bình thường để làm “bình phong” mua bán ĐVHD quý hiếm.